Lợi nhuận hay nợ xấu?
Tính đến ngày 2/2/2021, đã có khoảng 27 ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020. Năm 2020, khoản "lãi dự thu" tại các ngân hàng không biến động nhiều, thậm chí gần nửa ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính lại cho thấy xu hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn có ngân hàng ghi nhận con số tăng đột biến.
Lãi dự thu tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là điều bình thường, song tại một số ngân hàng, tỷ lệ lãi dự thu quá lớn, hoặc tốc độ tăng quá mạnh sẽ là những cảnh báo cho các nhà đầu tư.
Trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
|
|
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại các ngân hàng. |
Tại Nam A Bank, năm 2020 ngân hàng báo lãi trước và sau thuế tăng 9% so với năm trước, ghi nhận hơn 1.005 tỷ đồng và gần 800 tỷ đồng (hoàn thành được kế hoạch lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng đã đề ra cho năm 2020). Nợ xấu tính đến cuối năm 2020 giảm 44% so với đầu năm. Tuy nhiên, lãi dự thu tại Nam A Bank tăng 100% so với đầu năm, lên mức 2.632 tỷ đồng (tốc độ tăng mạnh nhất hiện nay).
LienVietPostBank cũng tăng lãi dự thu rất mạnh. Năm 2020, lãi dự thu tại LienVietPostBank tăng 48% so với đầu năm, lên mức 6.046 tỷ đồng. Trong khi đó, LienVietPostBank ghi nhận lãi trước và sau thuế cả năm 2020 tăng 19% và 16%, đạt gần 2.427 tỷ đồng và 1.862 tỷ đồng.
Như vậy, năm 2020, LPB đã vượt được 43% kế hoạch năm so với con số 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế đã đề ra.
Tương tự tại VIB, năm 2020, ngân hàng báo lãi trước và sau thuế tăng 42% so với năm trước, ghi nhận gần 5.801 tỷ đồng và gần 4.641 tỷ đồng. Nợ xấu tính đến đến cuối năm 2020 chỉ tăng 17% so với đầu năm, ghi nhận 2.957 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi dự thu lại VIB tăng 20%, ghi nhận 1.798 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại TPBank, lãi dự thu cũng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2020, lãi dự thu của ngân hàng này là 1.677 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm.
Theo số liệu báo cáo công bố, lợi nhuận trước và sau thuế năm 2020 tại TPBank tăng 13%, đạt gần 4.389 tỷ đồng và hơn 3.510 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế 4.068 tỷ đồng năm 2020, TPBank đã vượt 8% chỉ tiêu đề ra.
Một số ngân hàng khác, mức độ tăng lãi dự thu tuy chậm hơn song cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Cụ thể, OCB có lãi dự thu 1.519 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm; lãi dự thu tại VietBank năm 2020 tăng 13%, lên mức 1.815 tỷ đồng; VietABank là 3.454 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm;...
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, Sacombank dẫn đầu về lãi dự thu, song diễn biến lãi dự thu của ngân hàng này khá tích cực. Các khoản lãi, phí phải thu tại thời điểm 31/12/2020 là 17.500 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với mức 19.539 tỷ đồng hồi đầu năm.
Ngân hàng có lo lắng với con số lãi dự thu?
Thông thường việc dự thu các khoản lãi hay phí là một nghiệp vụ kế toán thông thường của ngân hàng. Khi đến kì dự thu, kế toán sẽ lập bảng kê các khoản lãi phải thu nội bảng của các khoản nợ nhóm 1 và phải thu ngoại bảng của các khoản nợ nhóm 2 đến nhóm 5. Sau khi trừ đi các khoản lãi phải thu đã thu được sẽ còn lại con số lãi dự thu.
Lãi dự thu còn được xem như một nguồn lãi ảo của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.
Do đó, đây cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
Một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
Theo nguyên tắc thận trọng thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi. Do đó, ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày, hay bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ đúng theo nguyên tắc này. Bởi một khi chuyển thành nợ xấu, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, khi đó lợi nhuận sẽ bị hao mòn, thậm chí âm.
Nếu vi phạm nguyên tắc này, nghĩa là thay vì chuyển nhóm các khoản nợ nhóm 1 thành nợ quá hạn và nợ xấu đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro để hạn chế rủi ro về khả năng thu hồi lãi, thì ngân hàng lại hạch toán những khoản lãi từ nợ khó đòi này thành lãi dự thu để tính vào lợi nhuận.
Do vậy, lợi nhuận cuối năm có thể không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh, kéo theo nợ xấu thực có thể lớn hơn nhiều so với nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo.