Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến doanh thu ngành bảo hiểm tăng chậm hơn. Tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn đạt 2 con số, ở mức hơn 15%. Góp phần vào đà tăng trưởng của ngành bảo hiểm, có đóng góp không nhỏ từ các thương vụ hợp tác với các ngân hàng (bancassurance).

Bancassurance tiếp tục bùng nổ

Sau gần 1 năm thị trường bancassurance khá trầm lắng thì mới đây, ACB ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam trong 15 năm – hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm đầu tiên của ACB.

leftcenterrightdel
 

Dù giá trị thương vụ này không được các bên tiết lộ nhưng trong những ngày qua, trên thị trường đã có không ít con số được đưa ra cho thấy đây là một trong những thương vụ ký kết độc quyền lớn về bancassurance.

Theo ước tính của nhóm phân tích của BVSC, upfront fee (phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên) mà ACB thu được từ thương vụ này có thể hơn 90 triệu USD (khoảng 2.100 tỷ đồng). Trong khi đó, Công ty chứng khoán SSI đưa giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng.

Hay cuối năm 2019, Vietcombank và Tập đoàn FWD đã ký hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm 15 năm. Đồng thời, Vietcombank cũng hoàn tất việc bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho FWD.

Theo thỏa thuận, FWD là đối tác phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua mạng lưới của Vietcombank trong vòng 15 năm. FWD cũng mua lại liên doanh Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI) do Vietcombank nắm 45% và BNP Paribas Cardif nắm 55%.

Ngoài ra, năm 2020, còn có thương vụ giữa Vietinbank và Manulife; Seabank và Prudential.

Đặc biệt, MSB cũng mới thông báo với nhà đầu tư trước khi niêm yết cổ phiếu của ngân hàng lên sàn chứng khoán, sẽ chọn một công ty bảo hiểm để ký kết và phân phối sản phẩm ra thị trường quý I năm sau. Lãnh đạo ngân hàng này chưa gật đầu với công ty bảo hiểm cụ thể nào, tuy nhiên ba cái tên Manulife, Prudential, Daiichi Life đã gần như được chọn làm đối tác trong chiến lược của MSB.
leftcenterrightdel
 

Thực tế, việc ký kết độc quyền với một ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm được các chuyên gia nhận định là xu thế tất yếu. Bởi nếu không áp dụng cơ chế phân phối độc quyền, một ngân hàng có thể được bán rất nhiều sản phẩm của các công ty bảo hiểm khác nhau và dễ dẫn đến tình trạng mua bán lộn xộn.

Ngân hàng "bán bia kèm lạc"

Hầu hết, sau mỗi thương vụ bancassurance, ngoài việc các ngân hàng sẽ có 1 khoản trả trước, thì mỗi năm nhà băng còn thu về hàng chục tỷ đồng từ phí dịch vụ. Đây là khoản thu nhập khá ổn định cho các ngân hàng trong bối cảnh doanh thu từ tín dụng sụt giảm song cũng tiềm ẩn không ít bất cập.

Việc tăng "nóng" của kênh này cũng sẽ kéo theo nhiều lo ngại như sự biến động mạnh về nhân sự hay là tình trạng méo mó của thị trường bảo hiểm khi ngân hàng "bán bia kèm lạc", ép khách vay tiền mua bảo hiểm.

Lãnh đạo một số ngân hàng nhiều lần khẳng định không có chuyện ép khách phải mua bảo hiểm nhân thọ và không có bất kỳ điều khoản bắt buộc nào ghi trong hợp đồng. Nhưng thực tế, nhân viên ngân hàng vẫn làm mọi cách để bán bảo hiểm dù khách không thực sự có nhu cầu.

Thực tế thời gian qua, nhiều khách hàng của các nhà băng phản ánh về việc bị “ép” mua bảo hiểm với nhiều hình thức như lãi suất gói vay sẽ hợp ưu đãi hơn khi kèm bảo hiểm, thủ tục vay nhanh chóng hơn…

Câu chuyện xẩy ra tại ngân hàng ACB từng gây rúng động, được tờ Chuyên trang Đầu tư Tài Chính (thuộc Tạp chí Nhadautu.vn) đưa tin là một ví dụ điển hình.

Theo đó, vào đầu tháng 3/2020, ông Lê Việt Vương (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có phản ánh rằng ông có nhu cầu vay thế chấp 1 khoản tiền tại Ngân hàng ACB chi nhánh Rạch Dừa, Vũng Tàu. Tại đây, ngân hàng đã đề nghị ông phải mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 13 triệu đồng/năm, yêu cầu đóng trước 1 năm.

Nếu ông Vương không mua bảo hiểm thì mức phí phạt khi trả tiền trước hạn là 5%, nếu ông mua bảo hiểm thì sẽ được giảm mức phạt xuống 2%.

Việc này dẫn đến khi ông Vương vay 2 tỷ đồng làm ăn kinh doanh, thường sẽ trả hết trong 1-2 năm đầu, nếu ông không mua bảo hiểm thì ngoài số tiền lãi cố định phải trả thì ông Vương phải đóng trả thêm gần 100 triệu đồng tiền phí phạt, nếu ông mua bảo hiểm thì số tiền phạt sẽ giảm xuống còn 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau đó ACB chi nhánh Vũng Tàu tiến hành làm việc cùng ông Lê Việt Vương và kết quả ông Vương lại xác nhận không có việc nhân viên ép buộc ông mua bảo hiểm? ACB Rạch Dừa, Vũng Tàu cũng đã báo cáo NHNN kết quả làm việc với khách hàng và xác nhận mọi hoạt động đều bình thường, đúng quy định.

Một vụ việc khác từng được tờ Phapluatnet (chuyên trang của Tạp Chí Đời sống Pháp Luật) cùng nhiều tờ báo khác đưa tin khiến người tiêu dùng phẫn nộ.

Cụ thể, vào giữa năm 2019, anh Nguyễn Đức Long (Hà Nội) tới TPBank để làm thủ tục vay tín chấp số tiền 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị giải ngân thì ngân hàng TPBank lại yêu cầu anh Long phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ của hãng Manulife. Nếu khách hàng không mua bảo hiểm nhân thọ của hãng này thì sẽ không đủ điều kiện để giải ngân. Điều khiến anh bức xúc là trong quá trình tư vấn nhân viên ngân hàng không đề cập tới điều khoản này.

Theo tìm hiểu, Manulife Việt Nam và TPBank đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác dịch vụ bảo hiểm - ngân hàng vào tháng 04/2017.

Trong khi đó, báo chí cách đây không lâu cũng rầm rộ đưa tin một khách hàng mua căn hộ một dự án, do thiếu tiền tìm đến một chi nhánh Vietcombank tại Hà Nội vay tiền mua nhà.

Để được giải ngân, khách hàng phải thế chấp hồ sơ mua nhà cho Vietcombank như tài sản bảo đảm nếu trong trường hợp anh không trả được các khoản vay, Vietcombank sẽ thu nợ bằng tài sản bảo đảm chính là căn hộ. Nhằm giúp khách hàng tiện thanh toán tiền gốc và lãi, Vietcombank tạo cho người vay một tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên đến khi chuẩn bị giải ngân thì Vietcombank ra điều kiện phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp là căn hộ.

“Ngân hàng khẳng định đây là điều kiện bắt buộc trước khi giải ngân, nhưng điều khiến tôi bức xúc hơn cả là suốt quá trình tư vấn nhân viên không hề đề cập đến điều khoản này, đến khi hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị giải ngân nhân viên ngân hàng với thông báo. Lúc này do cần gấp tiền nên tôi đành chấp nhận”, khách hàng nói.

Đáng chú ý, một chuyên gia lâu năm trong việc hoạch định chiến lược và kinh doanh bảo hiểm cũng chỉ ra tình trạng “ăn xổi ở thì” trong hoạt động bancassurance hiện nay khi để khách dễ dàng chấp nhận mua bảo hiểm, các tư vấn viên là nhân viên ngân hàng dù sao vẫn không thể am hiểu sản phẩm, dịch vụ bằng những nhân viên bảo hiểm thực thụ.

Các ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ bằng niềm tin của khách hàng với ngân hàng, còn câu chuyện sau đó là của công ty bảo hiểm. Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn khác với sản phẩm gửi tiết kiệm, một khi khách hàng đã mua bảo hiểm phải chăm sóc khách hàng trong thời gian rất lâu cho đến khi kết thúc hợp đồng.
Theo SHTT
Nguồn
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/nam-2020-bancassurance-tiep-tuc-bung-no-va-noi-lo-ngan-hang-ban-bia-kem-lac-d87167.html