MSB liên tục huy động vốn từ kênh trái phiếu

Thời gian gần đây, MSB là một trong những ngân hàng điển hình huy động nguồn vốn thông qua 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, để thu về tổng số tiền 3.700 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài, hạn bằng đồng Việt Nam. Cụ thể:

Trong 2 ngày liên tiếp là 18 và 19/5 MSB liên tục phát hành một lượng lớn trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải trả nợ thứ cấp của tổ chức tín dụng, có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 4.00%/năm, kỳ hạn lãi 12 tháng/lần.

Đợt phát hành trái phiếu này, MSB đã phát hành tổng là 2.700 trái phiếu riêng lẻ để thu về 2.700 tỷ đồng, để tăng quy mô vốn hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài, hạn bằng đồng Việt Nam.

Đến ngày 11/8/2021, MSB tiếp tục phát hành thêm lô 1.000 trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải trả nợ thứ cấp của tổ chức tín dụng, có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 3,7%/năm, kỳ hạn lãi 12 tháng/lần. Đợt phát hành này MSB đã thu về 1.000 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài, hạn bằng đồng Việt Nam.

Trong những lẫn phát hành trái phiếu này của MSB đều thành công với số lượng đặt mua là 100%; tuy nhiên MSB lại không công bố chi tiết nhà đầu tư, mà chỉ công bố chung chung là cả 3 lần phát hành trái phiếu riêng lẻ là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán đặt lệnh mua hết lượng trái phiếu do MSB phát hành.

Đợt phát hành trái phiêu riêng lẻ thứ 3 của MSB.
Đợt phát hành trái phiêu riêng lẻ thứ 3 của MSB.

Ngoài ra, MSB còn tham gia đợt phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng của PGBank.

Cụ thể, ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vừa công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước. Tổng giá trị trái phiếu phát hành là 500 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm (10/9/2021 - 10/9/2024). Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Lãi suất phát là 4,3%/năm.

Phương thức phát hành là bán trực tiếp cho nhà đầu tư. Một ngân hàng đã mua toàn bộ lô trái phiếu 500 tỷ của PG Bank. Tổ chức đăng ký, lưu ký lô trái phiếu của PG Bank là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). 

Có thể thấy, chỉ trong thời gian ngắn, MSB đã phải liên tục gọi vốn từ kênh trái phiếu. Vậy động thái này xuất phát từ đâu?

Dư địa tăng trưởng tín dụng tại MSB cao nhất ngành

Tính đến cuối quý 2 năm nay, dư nợ cho vay khách hàng tại 28 ngân hàng thương mại đã tăng 8% so với đầu năm, lên gần 6.892 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 495.000 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng cao nhất là MSB đạt hơn 15% so với đầu năm (lên 91.381 tỷ đồng), vượt trần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của MSB chỉ ở mức 3,6% với hơn 183.124 tỷ đồng (một số ngân hàng như TPBank đạt 17%, VIB đạt 13%, Techcombank đạt 15%,...). Mức chênh lệch giữa tốc độ tăng cho vay (15%) và tốc độ tăng tổng tài sản (3,6%) của MSB khiến tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản (tỷ lệ LAR) tăng 5%, từ mức 45% hồi đầu năm lên 50%.

Được biết, tỷ lệ “cho vay trên tài sản” cao có hai ý nghĩa. Ngân hàng có rủi ro cao hơn vì các khoản cho vay là tài sản có tính thanh khoản thấp hơn so các tài sản tài chính khác. Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ ngân hàng đang cho vay nhiều và khả năng thanh khoản thấp dẫn đến ngân hàng còn ít dư địa để tăng trưởng tín dụng. Và dĩ nhiên, khi cho vay nhiều, ngân hàng cũng đối mặt với rủi ro nợ xấu nhiều hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc MSB sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản và tất nhiên dư địa để tăng trưởng tín dụng cũng “mỏng dần” khi tài sản không theo kịp tốc độ cho vay.

MSB: Dư địa tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành, nợ xấu và nợ tiềm ẩn tăng nhanh - Ảnh 1

Trước tình hình tăng trưởng tín dụng “nóng” thời gian qua của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các nhà băng cần phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay.

Dư địa tăng trưởng tín dụng MSB đang “mỏng dần', dẫn đến nhà băng này đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room tín dụng.

Trong báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của ngành ngân hàng, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết đã có khoảng 13 ngân hàng được NHNN nới room tín dụng, trong đó MSB được nới room tín dụng 16%.

Đáng chú ý, theo công bố của MSB, chỉ số an toàn vốn (CAR) của nhà băng này hiện chỉ mức 11,64% trong khi mức bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước từ 12% đến 13%.

Tóm lại, dư địa tăng trưởng tín dụng 'mỏng dần' có thể là lý do chính khiến MSB phải huy động vốn từ kênh trái phiếu.

"Xuất hiện" hơn 18.000 tỷ đồng nợ tiềm ẩn

Vài năm gần đây, MSB đều nằm trong top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành  nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại ở top thấp nhất ngành.

Cụ thể, tính đến 30/6/2021, tổng nợ xấu của MSB tăng 18% so với đầu năm, lên hơn 1.844 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 47% lên hơn 578 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 13% lên gần 977 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,96% vào hồi đầu năm lên 2,02%. Nợ xấu tăng nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại MSB chỉ ở mức 58,5% (nằm trong top thấp nhất hệ thống).

MSB: Dư địa tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành, nợ xấu và nợ tiềm ẩn tăng nhanh - Ảnh 2

Theo các chuyên gia tài chính, tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao cho thấy ngân hàng càng có khả năng sẵn sàng dùng các khoản dự phòng đã trích lập để xóa các món nợ khó thu hồi. Đây được xem là bộ đệm để các ngân hàng ứng phó với các cú sốc tốt hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, những con số về nợ xấu thể hiện trên báo cáo tài chính chưa phản ánh đúng thực trạng nợ xấu của MSB, bởi hệ thống ngân hàng đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.

Ngoài nợ xấu, tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại MSB bắt đầu có xu hướng tăng.

Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.

Nợ tiềm ẩn tại MSB (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2021 đã soát xét).
Nợ tiềm ẩn tại MSB (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2021 đã soát xét).

Tính đến 30/6/2021, các khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán tại MSB tăng 24% so với đầu năm, ghi nhận gần 18.302 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20% trên tổng cho vay khách hàng. 

Trong đó, cam kết bảo lãnh vay vốn chỉ chiếm phần nhỏ nhưng cam kết trong bảo lãnh khác lại tăng 14% ghi nhận hơn 10.163 tỷ đồng, còn cam kết trong nghiệp vụ L/C tăng 40% lên gần 8.097 tỷ đồng.

Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng... Dù nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp khó khăn sẽ có thể trở thành các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Thực tế, ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng khi rủi ro xảy ra. Điều này càng làm gia tăng các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng. Chính vì vậy, khi đánh giá rủi ro của một ngân hàng, ngoài con số nợ xấu thì chúng ta cũng nên xem xét thêm phần chỉ tiêu ngoại bảng của ngân hàng đó nữa.

 

Hoàng Long


Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/msb-du-dia-tang-truong-tin-dung-cao-nhat-nganh-no-xau-va-no-tiem-an-tang-nhanh-d25974.html