Ngân hàng dồn dập thanh lý ô tô giá "siêu" rẻ

Nhu cầu đi lại tăng cao sẽ khiến ô tô ngày càng trở thành phương tiện phổ biến của người dân. Ngoài mục đích cá nhân, đảm bảo an toàn cho gia đình trong mỗi chuyến đi, người dân còn có nhu cầu mua ô tô để phục vụ việc kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. 

Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 khiến thu nhập của nhiều người lao động giảm sút, thậm chí bị mất việc. Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng vay mua ôtô trả góp. Nhiều người không đủ khả năng trả lãi và nợ gốc mỗi tháng. Vì vậy khoản nợ đã chuyển sang nợ xấu buộc ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo.

Kể từ đầu năm đến nay, xe ôtô bị siết nợ được ngân hàng rao bán với giá khá rẻ so với các sản phẩm tương tự đang được bán ngoài thị trường.

Chẳng hạn, ngân hàng VIB từ đầu năm đến nay hàng trăm ô tô được rao bán với nhiều giá khác nhau từ các hãng Toyota, Mazda, Ford cho đến xe Trung Quốc, phần lớn các mẫu xe này đều rẻ hơn so với bán ngoài thị trường.

VIB dồn dập rao bán ô tô.
VIB dồn dập rao bán ô tô.

Ví dụ, nhà băng này đang rao bán chiếc Chevrolet Spark đời 2017 chỉ với giá 165 triệu đồng  dù chỉ mới chạy hơn 84.000 km trong khi giá thị trường khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Chiếc Mitsubishi Xpander 2019 mới chỉ chạy 131.000 km với mức giá 460 triệu đồng hay chiếc Toyota Vios đời 2017 với giá 330 triệu đồng dù mới chỉ chạy gần 60.000km. Hyundai Elantra chạy hơn 72.000km với giá 510 triệu đồng. Honda Civic đời 2018 giá 640 triệu đồng.

Thậm chí, chiếc Toyota Vios đời 2020 chỉ rao bán với giá 415 triệu đồng hay chiếc Hyundai-Grand-I10-2020 đi chưa đến 10.000km với giá 295 triệu đồng.

Không chỉ VIB, TPBank cũng đã và đang tiến hành thanh lý/phát mãi xe ôtô với nhiều loại khác nhau. Từ tháng 5 đến nay nhà băng này thông báo thanh lý khoảng 30 chiếc xe ôtô, giá rao bán với giá khởi điểm chỉ từ 150 triệu đồng/chiếc. Có thể thấy, mức giá rao bán ô tô còn rẻ hơn so với giá một chiếc xe máy Honda SH300i.

Tại ngân hàng, xe thanh lý thường đã lâu không hoạt động, để ở kho bãi không được tân trang, sửa chữa nên có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng.

Ngoài ra, rắc rối về thủ tục mua bán khiến khách hàng mất nhiều thời gian để làm giấy tờ sang tên đổi chủ nên nhiều người không "mặn mà" với các cuộc đấu giá xe của ngân hàng. Hơn nữa, xe mới giá rẻ hiện đang tràn ngập thị trường ôtô với hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá "khủng”.

Mạnh tay cho vay mua ô tô có làm tăng nợ xấu?

Hiện nay, các ngân hàng thường áp dụng một mức lãi suất cố định ban đầu tuỳ thuộc vào các kỳ hạn vay khác nhau như 3 tháng đầu, 6 tháng đầu, 9 tháng đầu, 12 tháng đầu,... nhiều nhất lên đến 8 năm, tuỳ vào lựa chọn của mỗi khách hàng. Mức lãi suất cố định ban đầu mà nhiều ngân hàng đang áp dụng hiện dao động trong khoảng từ 6,99-11%/năm, tuỳ thời hạn vay.

Cụ thể, lãi suất cho vay mua xe tại VIB hiện nay từ 7,4%/năm, thời hạn tối đa 8 năm với hạn mức cho vay tối đa 80% giá trị xe. Đối với lãi suất cho vay mua xe cũ từ 7,9%/năm với hạn mức tối đa 75% giá trị xe thời hạn cao nhất tới 6 năm.

Nguồn: Website VIB.
Nguồn: Website VIB.

Tương tự, tại TPBank cho vay mua xe ô tôi với lãi suất ưu đãi 7,8%/năm. Khách hàng sẽ được áp dụng hạn mức vay lên tới 75% giá trị xe.

Trong khi đó, tại Techcombank chấp nhận cho vay mua xe kinh doanh mới và cũ (có thời gian sử dụng lên đến 3 năm) với lãi suất cố định từ 8,29%/năm cho 6 tháng đầu với hạn mức vay lên đến 70% giá trị tài sản bảo đảm.

Nguồn: Website Techcombankl.
Nguồn: Website Techcombankl.

Theo Thông tin tại Tọa đàm "Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng nay (23/6), hiện 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.

Thực tế, có ngân hàng thừa nhận, nợ xấu tăng trong quý đầu năm chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô. TPBank và VIB hiện là hai nhà băng thanh lý nhiều tài sản bảo đảm là xe hơi nhất. Đây cũng là 2 ngân hàng chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực cho vay mua ôtô trên thị trường.

Tính đến 31/3/2021, nợ xấu tại VIB, TPBank có xu hướng tăng so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu tại VIB tăng nhẹ 4% so với đầu năm, lên mức 3.076 tỷ đồng. Tương tự, nợ xấu tại TPBank cũng tăng 4,4% lên mức 1.483 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) ở VIB, TPBank tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, tính đến 31/3/2021, nợ cần chú ý tạo VIB tăng từ 2.529 tỷ đồng lên 4.118 tỷ đồng, tương đương tăng tới 63%; nợ cần chú ý tại TPBank cũng tăng 34% so với đầu năm, lên 2.171 tỷ đồng. 

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại TPBank
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại TPBank
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại VIB.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại VIB.

Tuy nợ nhóm 2 chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn bất ngờ nhảy vọt cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của hai ngân hàng.

 

Hoàng Long


Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/manh-tay-cho-vay-mua-o-to-no-xau-tai-loat-ngan-hang-dang-phinh-to-d102860.html