Lãi gấp 6-7 lần kinh doanh ngân hàng, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam luôn là miếng bánh hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Bởi thế, từ 2018 đến nay, nguồn vốn ngoại đã không ngừng đổ về các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit, Home Credit,... để thâu tóm, nắm giữ cổ phần trong những doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, nguồn vốn ngoại cũng đang đổ mạnh vào nhiều doanh nghiệp khác và chắc chắn cuộc chơi giữ vững thị phần thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam của những "ông lớn" như FE Credit, Home Credit ngày càng quyết liệt hơn trước rất nhiều.

Liên tiếp xuất hiện nhà đầu tư mới

Hiện ở Việt Nam có tới 16 công ty tài chính, nhưng khoảng hơn 70% thị phần nằm trọn trong tay 2 công ty lớn: FE Credit, Home Credit.

leftcenterrightdel
 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Shinhan Hàn Quốc là cái tên gây nhiều chú ý nhất khi không ngại thể hiện tham vọng "xâm chiếm" thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, Shinhan Việt Nam tiếp tục bỏ ra hơn 150 triệu USD để mở rộng hoạt động cho vay khách hàng cá nhân bằng việc mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam. Ngay sau đó, ông lớn Hàn Quốc đã nhanh chóng thành lập công ty tài chính Shinhan Việt Nam.

Năm 2018, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho Công ty Tài chính Điện lực (EVN Finance) được phép cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng, thay vì chỉ cấp tín dụng cho DN, cá nhân trong ngành điện như trước.

Lotte Finance - một công ty con của Lotte Card cũng đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam năm 2019. Lotte Card là công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng sở hữu mạng lưới dịch vụ và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc. Lotte Card vào Việt Nam năm 2017 và thâm nhập thị trường bằng thương vụ chi 1.700 tỷ đồng mua lại toàn bộ bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Techcombank.

leftcenterrightdel
Công ty Tài chính LOTTE chính thức ra mắt thị trường Việt Nam năm 2019. 

Mcredit của MB chính thức chuyển từ 1 thành viên sang liên doanh 2 thành viên trở lên, trong đó MB nắm 50% vốn, Shinsei giữ 49% và Công ty Xuân Thành sở hữu 1%. Doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh hoạt động trong những năm gần đây, có lãi ngay từ năm đầu tiên và tăng trưởng bình quân hơn 200% hàng năm. Năm 2018, Mcredit cũng đã có LNTT đạt 320 tỷ đồng.

Trong khi đó, HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của HDFinance cho Credit Saison (Nhật Bản) và đổi tên thành HD Saison hiện nay. Điểm mạnh của công ty này là hơn 13.800 điểm bán hàng trên toàn quốc, hưởng lợi từ hệ sinh thái của HD Bank – HD Saison – Vietjet Air.

Tại cuộc họp Đại hội Đồng cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra vào đầu năm 2020, HĐQT ngân hàng SHB đã thông qua cổ đông về việc bán vốn tại CTTC SHB FC cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Ngoài ra, ngân hàng MSB trong ĐHCĐ năm 2020 cũng cho biết đang thảo luận để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ tại FCCOM cho công ty TNHH Hyundai Card đến từ Hàn Quốc. Nhà băng này cho biết, từ cuối năm 2019 đã nộp hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo qui định và đang đợi thẩm định.

Không chỉ dừng lại ở những công ty tài chính tiêu dùng hay ngân hàng thương mại, vốn ngoại cũng đã bắt đầu từ rất sớm tìm đến các doanh nghiệp cầm đồ - một hình thức cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ khác.

leftcenterrightdel
Chuỗi hàng cầm đồ F88. 

Chẳng hạn, Mekong Capital và Granite Oak đầu tư vốn vào F88, quĩ đầu tư John Galt Venture (Mỹ) đầu tư vào mô hình cầm đồ trực tuyến Camdonhanh.

Nhà đầu tư Thái Lan Srisawad Corporation năm 2017 cũng đã bước chân vào thị trường cầm đồ ở Việt Nam, mở tiệm cầm đồ với thương hiệu Sawad và đến nay đã có 59 chi nhánh trên toàn quốc.

Dù số lượng công ty tài chính không tăng, song việc liên tiếp xuất hiện nhà đầu tư mới cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. "Miếng bánh béo bở" ngày càng bị chia nhỏ, kèm theo đó là cuộc chiến thị phần giữa 2 “ông lớn” FE Credit, Home Credit với các doanh khác ngày càng quyết liệt hơn.

Lợi nhuận của Home Credit và FE Credit trồi sụt, vị thế có dễ bị lung lay?

Home Credit và FE Credit chiếm thị phần cao trong cho vay tín chấp tiêu dùng tiền mặt và mua đồ gia dụng. Trong đó, FE Credit dẫn đầu ở phân khúc cho vay tiền mặt với thị phần 85%, còn Home Credit dẫn đầu ở phân khúc mua đồ gia dụng với thị phần gần 48%. Riêng trong phân khúc cho vay mua xe, FE Credit vẫn dẫn đầu thị trường (thị phần 27%) nhưng không lớn hơn nhiều so với các đối thủ khác.

leftcenterrightdel
 

Sau 10 năm hoạt động, FE Credit vẫn dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng, với thị phần 52% trong năm 2019, bỏ xa hai đối thủ đứng sau là Home Credit (17%) và HD Saison (11%). Đáng chú ý, thị phần của FE Credit và Home Credit năm 2019 đều giảm nhẹ so với năm 2018 (Năm 2018: FE Credit chiếm 53% và Home Credit chiếm 19%).

Từ năm 2016 đến nay, FE Credit luôn được các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn với tổng số tiền lên tới 1,2 tỷ USD để gia tăng tiềm lực tài chính phát triển kinh doanh. Do đó, giai đoạn 2015 - 2019, tổng tài sản của FE Credit đã tăng 200% từ 23.000 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 70.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019.

Vừa qua, cơ quan quản lý đã chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của FE Credit từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của công ty tài chính này từ 7.328 tỷ lên 7.333 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền thông qua trước đó.

leftcenterrightdel
 

Với Home Credit, sau tròn 10 năm có mặt tại Việt Nam, Home Credit đã xây dựng mạng lưới hơn 8.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố cuối năm 2019. Với hơn 8.500 nhân viên hiện diện trên khắp cả nước, Home Credit đang có tổng cộng 8,54 triệu khách hàng với 3 sản phẩm chính: cho vay trả góp xe gắn máy, cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và cho vay trả góp tiền mặt.

Mới đây, vốn điều lệ của công ty tài chính này được sửa đổi thành 2.050 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2019, vốn điều lệ của Home Credit mới chỉ 550 tỷ đồng.

Dù đứng thứ 2 về thị phần trên thị trường nhưng dư nợ cho vay của Home Credit năm 2018 mới chỉ đạt 17.452 tỷ đồng, trong khi FE Credit đạt 53.270 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của 2 "ông lớn" tài chính tiêu dùng đều kém khả quan hơn những năm trước.

Cụ thể, năm 2018, FE Credit lãi trước thuế 4.118 tỷ, giảm 82 tỷ so với năm 2017. Nguyên nhân là do chi phí dự phòng tăng mạnh, FE Credit trích lập tới hơn 7.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 44% và chiếm đến 65% lợi nhuận thuần. Năm 2019, FE Credit ghi nhận lãi trước thuế đạt 4.488 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2018.

Trong giai đoạn 2017 - 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của FE Credit tăng từ 8.435 tỷ đồng lên mức hơn 12.519 tỷ đồng. Chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit năm 2019 giảm xuống chỉ còn 28,68%, thấp hơn so với con số 32,67% của năm 2018 và 49,71% của năm 2017.

Bên cạnh hiệu quả kinh doanh trồi sụt, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit cũng có nhiều diễn biến đáng chú ý. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 5% trong năm 2017 lên 6% trong năm 2018, sau đó bất ngờ giảm mạnh xuống mức 5,3% vào cuối tháng 6/2019, nhưng cuối năm 2019 lại tăng trở lại 6%. Điều này được giải thích một phần bởi việc tín dụng tăng trưởng chậm trong quí IV/2019 do chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng của NHNN.

Theo đó, trong năm 2019, FE Credit đã dùng hết toàn bộ hạn mức tín dụng do NHNN giao là 13,8%. Nếu không tính các khoản cho vay tổ chức trong năm 2018, tăng trưởng cho vay tiêu dùng thực sự là 21,3% so với đầu năm. Trong khi chi phí dự phòng của FE Credit giảm tốc đáng kể (chỉ tăng 15% so với 44% năm 2018), qua đó giúp phí dự phòng hợp nhất năm 2019 chỉ tăng 21,6%, thấp hơn nhiều so với năm 2018.

Năm 2018, dư nợ tín dụng tại FE Credit chỉ tăng xấp xỉ 20%, chậm lại đáng kể so với sự tăng trưởng hơn 40% của năm 2017.

Đáng chú ý, khoảng 80% dư nợ phát sinh năm 2018 được giải ngân trong quý 4. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng không chỉ được giải ngân cho khách hàng cá nhân, vốn là đối tượng khách hàng chính của FE Credit, mà lần đầu tiên được giải ngân cho nhóm khách hàng là các công ty cổ phần. Nếu loại trừ dư nợ các công ty cổ phần, dư nợ cho vay của FE Credit thực sự chỉ tăng 11,5%.

leftcenterrightdel
Thu nhập hoạt động, NIM và chi phí hoạt động của FE Credit. 

6 tháng đầu năm 2020, FE Credit ghi nhận gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ROE đạt 13,35%. Dư nợ đến cuối tháng 6/2020 đạt hơn 60.000 tỷ đồng.

Lưu ý, tăng trưởng tín dụng của FE Credit giảm khá mạnh khi so với giai đoạn mới hình thành vào giai đoạn 2014 - 2015, sự giảm tốc này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng cho vay tiền mặt (FE Credit vẫn dẫn đầu ở phân khúc cho vay tiền mặt). Theo chia sẻ từ đại diện của FE Credit, tăng trưởng cho vay tiền mặt năm 2018 đã giảm so với năm 2017 và tỷ trọng cho vay tiền mặt từ trên 80% năm 2017 giảm xuống chỉ còn 77% năm 2018.

Tương tự như FE Credit, tốc độ tăng trưởng của Home Credit cũng chậm hơn hẳn so với những năm trước.

Tại Home Credit, có rất ít thông tin về chất lượng dư nợ cho vay. Năm 2018, “ông lớn” này ghi nhận lãi trước thuế bị giảm 219 tỷ so với năm 2017, chỉ đạt 1.845 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận giảm đến từ việc Home Credit đã phải trích lập 1.465 tỷ đồng, tăng 56% và bị "bào mòn" 44% lợi nhuận thuần.

Hồi tháng 5/2020, Home Credit bị hạ xếp hạng IDR từ mức “B+” xuống “B”, triển vọng bị điều chỉnh từ “Ổn định” xuống “Tiêu cực”.

Việc hạ bậc xếp hạng phản ánh tác động từ dịch Covid-19 đến hồ sơ tín nhiệm của Home Credit, cũng như thách thức ngày càng tăng đối với mô hình kinh doanh và khả năng tạo lợi nhuận của Công ty trong bối cảnh mức độ cạnh tranh trong ngành gia tăng và xuất hiện quy định mới từ cuối năm 2019.

Việc tăng trưởng chậm lại ở cả 2 "ông lớn" đến từ nhiều nguyên nhân. Một phần vì đã tăng trưởng rất nhanh giai đoạn trước, và đến khi quy mô đủ lớn sẽ phải kìm lại để kiểm soát rủi ro.

Lợi nhuận giảm sút do trích lập dự phòng tăng, hơn nữa chất lượng tài sản xấu đi. Các sản phẩm cho vay của công ty tài chính chủ yếu là cho vay tín chấp, không có tài sản thế chấp. Khả năng hình thành nợ xấu từ các khoản cho vay là rất cao, đặc biệt khi hệ thống chấm điểm tín dụng cho cá nhân vẫn còn nhiều điểm yếu, các công ty này lại đẩy mạnh cho vay tiền mặt trong thời gian qua.

Ngoài đối mặt với những rủi ro trên, FE Credit và Home Credit đang phải đối mặt với tham vọng mãnh liệt của nhiều cái tên mới trên thị trường. Dự báo, khi ngày càng nhiều ngân hàng và tập đoàn nước ngoài nhảy vào, áp lực cạnh tranh lên 2 "ông lớn" sẽ là không hề nhỏ.

 

 

Theo Hà Phương(t/h)/Vnfinance

 

Nguồn
Link bài gốc

https://vnfinance.vn/loi-nhuan-sieu-cao-dai-gia-ngoai-do-bo-gianh-giat-thi-truong-cho-vay-tieu-dung-tu-doanh-nghiep-viet-11478.html?fbclid=IwAR22EVROKZYQdE1f0G2erYdGP4NNJ-gjKRNnurPA79DEvrHiw4n1u7a0dpg