Lợi nhuận Ocean Group bốc hơi 111 tỉ đồng sau kiểm toán
Cập nhật lúc 09:38, Thứ sáu, 28/08/2020 (GMT+7)
Trên báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về các khoản công nợ phải thu và tiếp tục nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group.
CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – Mã: OGC) đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2020 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC.
Đáng lưu ý, sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế của Ocean Group bốc hơi 46% còn 128 tỉ đồng do công ty trích lập bổ sung dự phòng đối với khoản công nợ phải thu hỗ trợ vốn sau khi đánh giá lại về việc bù trừ nghĩa vụ phải trả của công ty cho các đối tượng trong giao dịch khác.
Công ty cho biết việc trích lập dự phòng bổ sung sẽ đảm bảo tính thận trọng hơn theo các nguyên tắc kế toán và phù hợp với tình hình thực tế của các khoản công nợ.
Căn cứ trên báo cáo tài chính soát xét thì các khoản ghi nhận thêm trích lập dự phòng nằm ở khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác gần 36 tỉ đồng và phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 92 tỉ đồng.
|
|
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau kiểm toán |
Đẩy mạnh thoái vốn, chuyển nhượng dự án và tái cơ cấu nợ
Trên báo cáo soát xét của Ocean Group, kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Tại ngày 30/6, công ty có các khoản nợ phải thu, góp vốn cho các đối tác để triển khai một số dự án đầu tư đang được trình bày trên khoản mục "Phải thu ngắn hạn khác", "Trả trước cho người bán ngắn hạn", "Trả trước cho người bán dài hạn" và "Tài sản thiếu chờ xử lí" với số tiền nợ gốc sau khi bù trừ với số dư phải trả và dự phòng gần 197 tỉ đồng. Số dư nợ gốc tại ngày 30/6 là 3.633 tỉ đồng.
Tại ngày lập báo cáo, kiểm toán cho biết công ty cùng với đối tác liên quan chưa cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu về các giao dịch này.
Phía kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi cũng như khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản trả trước/phải thu bằng các thủ tục thay thế.
Bên cạnh đó, tại ngày 30/6, công ty có các khoản cho vay, hỗ trợ vốn và các khoản phải thu về lãi vay, chi phí sử dụng vốn và các khoản đầu tư khác đã quá hạn thanh toán với giá trị 227 tỉ đồng sau khi trích lập dự phòng.
Số dư gốc hỗ trợ vốn, khoản đầu tư và chi phí sử dụng vốn là 1.655 tỉ đồng.
Kiểm toán cho biết không thu thập được đầy đủ bằng chứng về giá trị có thể thu hồi với các khoản này cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần phải trích lập.
Ocean Group giải trình rằng công ty và các đơn vị thành viên vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản này.
Trong năm 2020, công ty và các đơn vị thành viên đã tiến hành trích lập dự phòng cho các khoản này dựa trên thời gian quá hạn thanh toán.
Ngày 18/7, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Ocean Group đã có nghị quyết thông qua việc sẽ thực hiện xoá một số khoản nợ và chủ trương bán nợ .
Công ty cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu công nợ nhằm thu hồi tối đa và giảm ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính soát xét các kì tiếp theo.
Ngoài ra, kiểm toán cũng đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh là hết quí II, Ocean Group lỗ luỹ kế 2.722 tỉ đồng cùng với các vấn đều ngoại trừ nêu trên, vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Dù có những yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty mẹ do vốn lưu động âm, lỗ luỹ kế nhưng Ocean Group cho biết công ty mẹ đang có chủ trương thoái vốn, chuyển nhượng một số dự án và công ty cũng đang tích cực thu hồi công nợ.
Do đó, Ocean Group đánh giá rằng việc báo cáo tài chính lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp. Vấn đề nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty được kiểm toán nêu ra từ nhiều năm qua.
Nguồn Theo Kinh tế tiêu dùngLink bài gốchttps://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/loi-nhuan-ocean-group-boc-hoi-111-ti-dong-sau-kiem-toan-20200827114329518.htm