Giải trình về khoản chênh lệch này, KBC cho biết do trên báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2022 tự lập Công ty đang kế toán ban đầu tạm thời thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng theo chuẩn mực kế toán số 11 – Hợp nhất kinh doanh và chuẩn mực kế toán số 07 – Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết và các quy định có liên quan khác.
“Khoản ghi nhận kế toán ban đầu tạm thời này được công ty ước tính thận trọng dựa trên các báo cáo tư vấn thẩm định độc lập. Theo các báo cáo này, giá trị hợp lý tài sản thuần của CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng ước tính thận trọng là khoảng 4.805.111 triệu đồng”, văn bản của KBC giải trình.
Tuy nhiên, theo Công văn ngày 29/8/2022 của công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (E&Y), theo yêu cầu của chuẩn mực soát xét thông tin tài chính giữa niên độ, EY đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn định giá để soát xét báo cáo định giá nêu trên. Tuy nhiên, do số lượng lớn các tài sản là bất động sản và tính phức tạp của việc định giá các bất động sản này, hiện nay, công việc soát xét của EY đối với các báo cáo định giá nêu trên chưa được hoàn tất.
|
|
Quy hoạch dự án Khu công nghiệp - Đô thị Tràng Cát của Kinh Bắc. |
Đơn vị kiểm toán cũng có lưu ý về việc kế toán ban đầu của giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại SDN đang được xác định tạm thời trên báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ dựa trên giá trị sổ sách của tài sản thuần của công ty này tại ngày mua.
Do đó, trên báo cáo tài chính này, Kinh Bắc chưa ghi nhận thu nhập cho giao dịch này. Việc hoàn tất kế toán tạm thời hay đánh giá lại giá trị hợp lý, xác định lãi do mua rẻ từ giao dịch hợp nhất kinh doanh sẽ được ghi nhận ngay sau khi đơn vị kiểm toán hoàn thành việc soát xét định giá và ghi nhận vào các báo cáo tài chính hợp nhất trong năm 2022.
Năm 2022, KBC đặt kế hoạch doanh thu 9.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 122% và 372% so với cùng kỳ. Như vậy, với lợi nhuận 200 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, KBC mới đạt được 4,4% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc, Theo nhận định của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong năm nay, doanh thu của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021, lãi ròng đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 363%, chủ yêu nhờ tăng doanh số bán đất khu đô thị (KĐT) và khoản lãi phi tiền mặt lớn từ việc đánh giá lại trị giá 2.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
|
|
Quy hoạch dự án Khu công nghiệp - Đô thị Tràng Cát của Kinh Bắc. |
Về ghi nhận doanh số các dự án, VCSC kỳ vọng, doanh số bán buôn 30 ha của KĐT Tràng Cát sẽ được ghi nhận trong năm 2023 thay vì năm 2022 trong dự báo trước. Hiện tại, dự án này đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng.
Theo thông tin từ Chứng khoán Yuanta, Ban lãnh đạo Kinh Bắc kỳ vọng sẽ bàn giao khoảng 30 ha tại KĐT Tràng Cát và giúp đóng góp khoảng 6.000 tỷ đồng doanh thu và 3.000 tỷ đồng lợi nhuận vào nửa cuối năm nay.
Theo VCSC, nhận định của công ty thận trọng hơn so với kế hoạch của Kinh Bắc đã công bố do VCSC nhận thấy các hoạt động tài trợ vốn có diễn biến chậm hơn dự kiến, đặc biệt trong mảng bất động sản dân dụng, trong khi việc phê duyệt sửa đổi kế hoạch phát triển chi tiết của dự án cũng có diễn biến chậm hơn.
Về phía KĐT Tràng Cát, dự án có tổng diện tích 584,9 ha, đã đền bù 582 ha. Từ 2021, Kinh Bắc đã đề cập tới việc đang đàm phán với khách hàng để bán buôn 50 ha đất thương phẩm; cũng như kế hoạch bán buôn 30 - 50 ha đất thương phẩm mỗi năm.
Bên cạnh đó, VCSC cũng dự đoán, các dự án khu công nghiệp (KCN) mới tại tỉnh Long An cũng sẽ bắt đầu ghi nhận doanh số bán đất KCN từ năm 2024.
VCSC cho rằng, các dự án KCN mới được phê duyệt sẽ thúc đẩy triển vọng trung và dài hạn. Tính đến cuối quý II, Kinh Bắc còn khoảng 260 ha đất trong các dự án KCN đang trong giai đoạn kinh doanh.
Tuy nhiên, Kinh Bắc đã nhận được phê duyệt đầu tư từ Chính phủ trong 2021 - 2022 cho 3 KCN tại tỉnh Long An với tổng diện tích 1.365 ha cũng như các dự án cụm công nghiệp khoảng 400 ha tại tỉnh Long An và Hưng Yên, các KCN và dự án cụm công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của mảng KCN của Kinh Bắc.