Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II niên độ tài chính 2021-2022 với doanh thu thuần đạt 12.661 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn tăng 25,4% khiến lợi nhuận gộp giảm 24,4% xuống 1.430 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp sụt giảm từ 17,43% về 11,29%.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 19% lên 78 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 8% lên 128 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý lần lượt tăng 43% và 143%. Chủ yếu vì những nhân tố trên, lãi sau thuế của Hoa Sen chỉ còn 234 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ.

Lũy kế nửa đầu niên độ 2021-2022 (1/10/2021-30/9/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 48% lên gần 29.600 tỷ đồng, lợi nhuận gộp nhích 3% lên 3.553 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các loại chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh nên lãi sau thuế của Hoa Sen chỉ còn 872 tỷ đồng, thấp hơn 48% so với nửa đầu niên độ trước.

Trong cả niên độ 2022, Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu gần 46.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.500 - 2.500 tỷ đồng. Sau 6 tháng, Tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã thực hiện gần 64% kế hoạch doanh thu và khoảng 35-58% mục tiêu lợi nhuận.
leftcenterrightdel
 

Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Hoa Sen ở mức 22.212 tỷ đồng, giảm 4.406 tỷ đồng so với ngày đầu niên độ (1/10/2021).

Trong đó, tài sản dài hạn là 7.620 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng 340 tỷ đồng. Khoản mục tài sản đi xuống nhiều nhất là phải thu ngắn hạn (-2.600 tỷ đồng) và hàng tồn kho (-700 tỷ đồng). Tiền và tương đương tiền giảm 28% còn 355 tỷ đồng, chủ yếu do dòng tiền kinh doanh âm 185 tỷ đồng và dòng tiền đầu tư âm 187 tỷ đồng. Hoa Sen bù đắp một phần dòng tiền âm bằng cách đi vay.

Nợ vay dài hạn giảm đi 1.050 tỷ đồng nhưng nợ vay ngắn hạn tăng thêm tới 1.285 tỷ. Vì vậy, tổng nợ vay của Hoa Sen tại ngày cuối tháng 3 tăng thêm hơn 200 tỷ đồng so với ngày đầu tháng 10/2021, đồng thời cao hơn khoảng 1.100 tỷ đồng so với ngày cuối năm ngoái.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, Hoa Sen đã tiêu thụ hơn 354.000 tấn tôn mạ và 107.000 tấn ống thép, lần lượt chiếm 28,2% và 14,4% thị phần toàn ngành. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tôn mạ và ống thép của Hoa Sen giảm lần lượt 20% và 10%.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức hôm 21/3, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết mảng sản xuất tôn, thép đã hết dư địa phát triển cho Hoa Sen. Vì vậy, ông Vũ định hướng Hoa Sen sẽ tạo dựng thương hiệu trong mảng phân phối nội thất và vật liệu xây dựng.

Chủ tịch Hoa Sen cho rằng hoạt động phân phối sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất. “Bây giờ khi nói đến Hoa Sen, người ta nghĩ đến tôn, ống thép, ống nhựa. Tôi nghĩ từ 5 đến 10 năm nữa, người ta sẽ nói về hệ thống vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home”, ông Vũ nhận định, đồng thời tuyên bố sẽ bán hết những tài sản trong lĩnh vực sản xuất để tập trung cho mảng phân phối.

Ngày 25/4 vừa qua, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Tổng khối lượng phát hành dự kiến là 4.934.800 cổ phiếu, tương đương 1% số cổ phiếu HSG đang lưu hành.

Giá phát hành đã được đại hội cổ đông thường niên 2022 thông qua là 10.000 đồng/cổ phiếu, tức là Tập đoàn Hoa Sen sẽ nhận về hơn 49 tỷ đồng từ đợt ESOP này. Số tiền sẽ được dùng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Hoa Sen.

Thời gian phát hành dự kiến là từ tháng 5/2022 cho đến khi hoàn thành các thủ tục cần thiết. Đối tượng được mua cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi trong đợt này là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản trị - điều hành chủ chốt của tập đoàn.

Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng kể từ ngày kết thúc việc thu tiền mua cổ phiếu của người lao động. Hoa Sen hiện có vốn điều lệ 4.935 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phiếu ESOP, vốn điều lệ sẽ tăng lên thành 4.984 tỷ đồng.
Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/loi-nhuan-cua-tap-doan-hoa-sen-lao-doc-a551703.html