Đến thời điểm hiện tại, mùa công bố báo cáo tài chính đã kết thúc, do đó lợi nhuận các doanh nghiệp cũng đã được công bố đầy đủ. Trái ngược những nhóm doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng lớn trong năm 2022 như ngân hàng, dược phẩm,… thì nhóm doanh nghiệp xây dựng khép lại năm 2022 với kết quả vui ít – buồn nhiều.
leftcenterrightdel
Một số doanh nghiệp xây dựng lợi nhuận giảm. (đvt: tỷ đồng) 

Năm 2022, ông lớn ngành xây dựng - CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) ghi nhận 14.537 tỷ doanh thu thuần, tăng 60% so với 2021 nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh COVID-19. Công ty lỗ thuần cả năm gần 54 tỷ song nhờ khoản lợi nhuận khác 88 tỷ giúp Coteccons vẫn lãi ròng gần 21 tỷ, giảm gần 14% so với năm trước đó.

Năm 2022, Coteccons đề ra mục tiêu 15.010 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Kết thúc quý 4/2022, doanh nghiệp đạt 97% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. EPS cả năm là 280 đồng. Như vậy, từ năm 2017 đến nay, lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng này liên tiếp lao dốc.

Năm 2022, lợi nhuận của CTCP FECON (mã: FCN) cũng giảm mạnh. Cụ thể, BCTC hợp nhất quý 4/2022 cho thấy, doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 838 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt hơn 62 tỷ, giảm 55%.

Lũy kế năm 2022, FCN đạt doanh thu thuần hợp nhất 3,044 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước đó và thực hiện được hơn 60% kế hoạch năm. Doanh thu tài chính đạt hơn 161 tỷ đồng, gấp đến 8.8 lần năm trước, trong đó lãi từ bán khoản đầu tư gần 138 tỷ đồng.

Tuy nhiên chi phí tài chính trong năm lên gần 222 tỷ đồng, gần gấp rưỡi năm trước đó, riêng chi phí lãi vay và thuê tài chính gần 213 tỷ đồng. Sau cùng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 51 tỷ đồng, giảm tới 28% so với năm 2021.

Buồn nhất phải kể đến trường hợp của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC). Quý 4/2022, Hòa Bình đạt 3.218 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% so với cùng kỳ 2021. Kinh doanh dưới giá vốn khiến tập đoàn ghi nhận khoản lợi nhuận gộp âm 426 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính âm 113 tỷ do lỗ từ việc bán các khoản đầu tư gần 117 tỷ. Các chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp đều tăng đột biến so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 496 tỷ, gấp 3,3 lần quý 4/2021 chủ yếu do tăng chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (359 tỷ).

Kết quả, Xây dựng Hoà Bình lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 1.214 tỷ. Lỗ ròng 1.202 tỷ trong quý 4, cùng kỳ năm 2021 có lãi 18 tỷ đồng.

Khoản lỗ lớn quý 4 khiến doanh nghiệp lỗ ròng 1.138 tỷ đồng cả năm 2022, trong khi năm 2021 có lãi 103 tỷ. Doanh thu thuần năm ngoái đạt 14.123 tỷ, tăng 24% so với 2021. Lỗ lớn năm 2022 khiến tập đoàn ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 689 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Năm 2022, Xây dựng Hoà Bình lên mục tiêu 17.500 đồng tổng doanh thu, 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp mới hoàn thành khoảng 81% mục tiêu doanh thu và không đạt chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Xây dựng Hoà Bình thua lỗ trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn khi thị trường bất động sản gần như nguội lạnh. Đối thủ của Xây dựng Hoà Bình là Coteccons cũng phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi từ các khách hàng hơn nghìn tỷ cuối năm 2022 và cũng là tác nhân chính khiến tập đoàn thua lỗ trong nhiều quý.

Khó khăn không chỉ xuất phát từ bên ngoài mà nội tại doanh nghiệp cũng xảy ra cuộc nội chiến giữa nhóm ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch.
leftcenterrightdel
 Một số doanh nghiệp xây dựng lỗ đậm năm 2022. (đvt: tỷ đồng)

Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp xây dựng khác có lợi nhuận đi lùi. Đáng kể như CTCP Xây dựng DIC Holdings (mã: DC4), cả năm chỉ lãi hơn 253 triệu đồng, trong khi năm trước đạt 42 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm gần 60%, còn 264 tỷ đồng. Không những vậy, DC4 còn phải chịu chi phí tài chính tăng cao do phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính vào 2 công ty con cộng với lỗ do đầu tư chứng khoán.

Doanh nghiệp xây dựng Ricons đi ngược xu thế, lên ngôi lợi nhuận
Đi ngược với xu hướng chung của nhóm doanh nghiệp xây dựng, quý 4/2022, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons đạt gần 3.028 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2% so với quý 4/2021.

Lợi nhuận gộp sụt 36% còn gần 33 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 1,7% cùng kỳ xuống 1,1% quý IV/2022.

Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gần gấp đôi lên gần 24 tỷ, trong khi đó chi phí tài chính là 12 tỷ, tăng 7,5 lần cùng kỳ. Trừ đi các chi phí khác, Ricons chỉ còn lãi sau thuế 10,3 tỷ đồng, giảm gần 42%.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Ricons đạt 11.384 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 91 tỷ, lần lượt tăng 41% và tăng 13% so với năm 2021. Trong năm, doanh thu từ hợp đồng xây dựng của Ricons đã tăng gần 42% lên 11.217 tỷ đồng.
leftcenterrightdel
 

Có thể thấy, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Ricons cao hơn nhiều so với Coteccons, Fecon và Xây dựng Hòa Bình. Giai đoạn hoàng kim của các doanh nghiệp xây dựng đã đi qua kể từ sau khi nhóm lập đỉnh cả về doanh thu và lợi nhuận trong các năm 2017 - 2018. Ngoại trừ Fecon không ghi nhận quá nhiều biến động, lần lượt CTD, HBC hay Ricons đều chứng kiến lợi nhuận sau thuế rơi rất mạnh.

Đáng chú ý, một thương hiệu mang tên CTCP Newtecons - doanh nghiệp được điều hành bởi ông Nguyễn Bá Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons) - vừa thông báo đã cán mốc kế hoạch 10.000 tỷ doanh thu năm 2022. Trong khi đó, con số lợi nhuận vẫn chưa được tiết lộ.

Theo báo cáo triển vọng ngành xây dựng của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng (Coteccons, Hòa Bình, Ricons, Newtecons,...) dự báo vẫn ở mức thấp.

Hoạt động xây dựng các dự án văn phòng, trung tâm thương mại tương đối bền vững hơn nhờ sự hồi phục các hoạt động kinh tế sau đại dịch nhưng sẽ chỉ bù đắp một phần sự sụt giảm trong khối lượng thi công bởi quy mô thấp so với mảng nhà ở thương mại và thời gian hoàn thiện pháp lý, phát triển dự án thường kéo dài.
leftcenterrightdel
 Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dự báo vẫn gay gắt bởi nhu cầu xây dựng thấp nên các nhà thầu có áp lực nhận thầu bằng mọi giá để duy trì bộ máy.

Thị trường xây dựng dân dụng cũng đã có sự phân mảnh hơn sau khi "Coteccons Group" tan rã. Nhiều doanh nghiệp từ người cũ của Coteccons (Ricons, Central, Newetons,…) đã gia tăng quy mô hoạt động và đấu thầu các dự án.

Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án quy mô lớn (đại đô thị, khu phức hợp),… có xu hướng sử dụng dịch vụ của nhiều nhà thầu tại các phân khu, gói thầu khác nhau. Điều này giúp gia tăng cơ hội cho các nhà thầu tham gia vào các dự án quy mô lớn, nhưng vị thế đàm phán và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản gặp áp lực lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp và việc bán hàng, chuyển nhượng dự án cũng gặp bất lợi. Vì vậy, chủ đầu tư có thể thiếu hụt về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho nhà thầu.

VCBS đánh giá khó khăn trong thu hồi công nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công.
Hà Phương
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-xay-dung-vui-it--buon-nhieu-d156304.html