Lợi nhuận 7.090 tỷ đồng
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (mã: ACV) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán cho năm tài chính 2022 cho thấy sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, ACV lãi trước thuế 8.789 tỷ đồng. tương tự, lợi nhuận sau thuế của ACV trong năm 2022 tăng 798%, đạt 7.090 tỷ đồng.
|
|
Lợi nhuận ấn tượng của ACV trong năm 2022 sau kiểm toán. |
Tuy nhiên, so với thông tin trong báo cáo tự lập được ACV công bố hồi tháng 1/2023, lãi ròng của ACV sau kiểm toán giảm nhẹ 37 tỷ đồng. Trong đó có sự chênh lệch về doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giữa báo cáo tài chính đã kiểm toán và chưa kiểm toán.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 do ACV tự lập, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 13.834 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính đã kiểm toán, doanh thu thuần 13.806 tỷ đồng (tăng 190,5% so với năm 2021). Sau khi trừ đi 7.308 tỷ đồng giá vốn hàng hóa, lợi nhuận gộp đạt 6.498 tỷ đồng (chênh lệch 59 tỷ đồng).
Doanh thu hoạt động tài chính là 4.113 tỷ đồng, tăng 26,4% so với năm 2021 do tăng lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 43% lên 178 tỷ đồng.
Do hoạt động hàng không tăng trở lại nên các loại chi phí cũng tăng theo. Cụ thể, chi phí bán hàng từ 84,6 tỷ đồng trong năm 2021 lên 220 tỷ đồng năm 2022. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 1.704 tỷ đồng. Ngược lại, do ACV giảm khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính nên chi phí tài chính giảm 54% còn 93,9 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, ACV ghi nhận tổng doanh thu 13.899 tỷ đồng, lãi trước thuế 8.789 tỷ đồng. Lãi ròng tăng 798%, đạt 7.090 tỷ đồng.
Năm 2022, ACV đặt kế hoạch doanh thu 10.294 tỷ đồng và 2.566 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, ACV vượt 242% mục tiêu đề ra.
Lý giải nguyên nhân cho sự tăng trưởng vượt bậc, phía ACV cho biết chủ yếu do thị trường hàng không dần hồi phục trong năm 2022 và các chính sách giá dịch vụ của ACV hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 dần quay trở về mức bình thường.
Năm 2023, ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu 18.414 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.448 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.831 tỷ đồng.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ACV đạt 60.101 tỷ đồng, tăng hơn 5.100 tỷ đồng sơ với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trị giá 40.301 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 30.498 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền trị giá 2.496 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh lên 6.473 tỷ đồng.
Lương lãnh đạo tăng vọt
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 11/5. Hiện tại, Chủ tịch HĐQT của ACV là ông Lại Xuân Thanh. Nhân vật nắm giữ vị trí “ghế nóng” tổng giám đốc của công ty này là ông Vũ Thế Phiệt.
|
|
Loạt “ông lớn” hàng không góp mặt trong danh sách nợ xấu của ACV. |
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, nợ phải trả của ACV tại ngày 31/12/2022 giảm nhẹ so với đầu năm, ở mức 16.325 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 10.911 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các hiệp định vay vốn cho việc xây dựng dự án nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Vốn chủ sở hữu tăng lên 43.766 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng vọt lên 6.288 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng giá trị các khoản phản thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi tăng 162%, ghi nhận ở mức 4.280 tỷ đồng. ACV đã trích lập dự phòng 1.250 tỷ đồng.
Danh sách nợ xấu có sự góp mặt của Công ty CP Hàng không Vietjet 1.840 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Tre Việt 998 tỷ đồng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP 704 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Pacific Airlines 569 tỷ đồng, Công ty Cp Hàng không Lữ hành Việt Nam 115 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông 25 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Tổng Công ty khởi sắc cũng kéo tiền lương, thưởng của các thành viên trong HĐQT và ban lãnh đạo tăng theo. Tổng mức chi trả là 17,86 tỷ đồng. Con số này cao gần gấp đôi so với năm 2021, ở mức 8,9 tỷ đồng.
|
|
Mức thù lao của các lãnh đạo ACV năm 2022 cao hơn so với năm 2021. |
Theo đó, mức thù lao cao nhất thuộc về Chủ tịch HĐQT Lại Xuân Thanh. Ông Thanh nhận hơn 1,52 tỷ đồng/năm, tương đương trung bình hơn 127 triệu đồng/tháng, tăng 59% so với năm trước. Tiếp ngay sau là ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc nhận suýt soát 1,5 tỷ đồng lương và thưởng, tương đương trug bình 125 triệu đồng/tháng.
Ông Đào Việt Dũng và bà Lê Thị Diệu Thúy, Thành viên HĐQT nhận thù lao hơn 1,4 tỷ đồng. 3 thành viên còn lại trong HĐQT là ông Nguyễn Tiến Việt, ông Lê Văn Khiên và bà Nguyễn Thị Hồng Phượng nhận thù lao vào khoảng 940-965 triệu đồng.
Trong 4 Phó tổng giám đốc, thù lao của ông Nguyễn Đức Hùng cao nhất: 1,362 tỷ đồng, nhiều hơn năm 2021 là 643 triệu đồng, đồng nghĩa với việc ông Hùng nhận trung bình 113 triệu đồng/tháng. Phó tổng giám đốc Đỗ Tất Bình và Nguyễn Quốc Phương mỗi tháng nhận trung bình khoảng 110 triệu đồng. Người còn lại là ông Trần Anh Vũ nhận 1 tỷ đồng trong năm 2022.
Ông Bùi Á Đông, Kế toán trưởng, mỗi tháng nhận thù lao trung bình 114 triệu đồng, tính cả năm 2022 là hơn 1,37 tỷ đồng.
Thù lao ban kiểm soát của ACV, Trưởng ban Huỳnh Thị Diệu nhận 1,34 tỷ đồng, tương đương trung bình 111 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Hữu Phúc nhận 68 triệu đồng/tháng. Thù lao năm 2022 của ông Lương Quốc Bình là 546 triệu đồng.
Theo báo cáo kiểm toán của ACV, tổng số nhân viên của tập đoàn tại ngày 31/12/2022 là 9979 người, tăng 2,5% so với cuối năm 2021. Chi phí nhân viên trong năm 2022 của ACV đạt 3.151 tỷ đồng, như vậy mỗi nhân viên ACV bình quân thu nhập mỗi tháng khoảng 31,5 triệu đồng.