Ngân hàng HSBC dự báo Việt Nam sẽ lấy lại mức tăng trưởng ổn định 6,2% trong năm 2022 nhưng vẫn có khả năng đối mặt với mức lạm phát cao hơn ở mức 3,7%.
HSBC cho rằng, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ và nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022.
|
|
Đà lạm phát đã bắt đầu tăng từ tháng 3 |
Thực tế, nhu cầu vốn tăng cao cùng với áp lực từ các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản ấm... đã khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng. Đặc biệt, từ đầu tháng 4/2022 đến nay, một số ngân hàng nhỏ lại bắt đầu động thái nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân.
Đơn cử tại ngân hàng Bac A Bank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng nhích nhẹ từ 6%/năm lên 6,1%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng từ 6,1%/năm lên 6,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,6%/năm. Các kỳ hạn khác lãi suất không thay đổi.
Tương tự, cuối tháng 3/2022 Ngân hàng Bản Việt tăng 0,1-0,2 điểm% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng và trên 12 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng tăng 0,2 điểm% lên 6,2%/năm, lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng tăng lên 6,8%/năm.
Đặc biệt tại ABBank, lãi suất tiền gửi tăng từ 0,1-0,4 điểm% với kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống. Cụ thể, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,5% và 9 tháng tăng lên 5,6%/năm.
Trường hợp tại OCB cũng tăng 0,2 điểm% lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,1%/năm, kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,3%/năm.
Khi lãi suất huy động ngân hàng tăng thì người gửi thay vì đầu tư vào các tài khoản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu, họ sẽ chuyển sang phần tiền gửi có kỳ hạn, an toàn hơn và lãi suất cũng tương xứng.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng, tương đương giảm 1,21%, xuống hơn 5,57 triệu tỷ đồng…
Thế nhưng, so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, thì huy động tiết kiệm vẫn khá chậm. Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/2, huy động vốn của ngành ngân hàng chỉ tăng 1,29% so với cuối năm 2021.
Các nhà phân tích của Công ty SSI cho rằng, nhiều khả năng, lãi suất đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 trước áp lực tín dụng hồi phục trong năm 2022.