Mới đây, CTCP Tập đoàn Trường Thịnh đã thực hiện mua lại 150 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng được phát hành trong năm 2020. Sau đợt mua lại này, khối lượng trái phiếu còn lại là 42 tỷ đồng.

Tập đoàn Trường Thịnh tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh được thành lập vào năm 1994. Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch.
leftcenterrightdel
 Doanh nhân Võ Minh Hoài. Ảnh: Trường Thịnh

Trải qua 26 năm hoạt động, Trường Thịnh trở thành “ông trùm” các dự án BT, BOT tại Quảng Bình. Hệ sinh thái doanh nghiệp này gồm 7 công ty con và 4 công ty liên kết như: Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh, CTCP Thủy điện Trường Thịnh, CTCP Du lịch Suối Bang Trường Thịnh, CTCP Trường Thịnh Golf & Resort, Công ty TNHH MTV Xây lắp Trường Thịnh, Công ty TNHH BOT Đường tránh Thành phố Đồng Hới, Công ty TNHH BOT Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh….

Từ số vốn điều lệ ban đầu 4,5 tỷ đồng, Tập đoàn đã tăng vốn lên 80 tỷ đồng năm 2013, rồi lên 1.889 tỷ đồng vào tháng 12/2016.

Tính đến tháng 6/2020, Tập đoàn Trường Thịnh đã nâng vốn điều lệ lên 2.619 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Võ Minh Hoài nắm 91,13% vốn điều lệ; hai cổ đông Trương Thị Kim Oanh và Nguyễn Bảo Ngọc nắm 8,87% còn lại.

Tại Quảng Bình, Tập đoàn Trường Thịnh được đánh giá là doanh nghiệp lớn với nhiều dự án nổi danh trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng.

Theo dữ liệu của PV, vào tháng 4/2019 tập đoàn này được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê hơn 200.000 m2 đất thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (giai đoạn 1 – đợt 1, đợt 2).

Ngoài ra, một số dự án khác được Tập đoàn thực hiện như Khu du lịch Mỹ Cảnh, nay là Sun Spa Resort tại bán đảo Bảo Ninh; đầu tư và khai thác Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường; đầu tư khu đô thị mới Bảo Ninh, Tp.Đồng Hới; Khu nghỉ dưỡng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch gần nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến…

Với lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Trường Thịnh được giao 1.044,0 m2 đất (gồm: 237,9 m2 đất đã chuyển mục đích sang đất ở nông thôn và 806,1 m2 đất bằng chưa sử dụng) sử dụng vào mục đích xây dựng dự án khu nhà ở thương mại Mỹ Cảnh; thuê 513,7 m2 để xây dựng Văn phòng Trụ sở Hạt quản lý duy tu bảo trì đường bộ tuyến đường tránh; thuê 1.593,8 m2 đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa; thuê 29.566,8 m2 đất tại xã Ngân Thuỷ,…

Bên cạnh các lĩnh vực nêu trên, Trường Thịnh còn sở hữu một số dự án khác thuộc lĩnh vực BOT, thủy điện như: Công trình thủy điện La Trọng - Sông Gianh 1 (mức đầu tư 370 tỷ đồng), Trạm thu phí Quán Hàu, Trạm thu phí Triệu Phong – Quảng Trị…

Sở hữu nhiều dự án bất động sản, BOT, song kinh doanh của Tập đoàn Trường Thịnh lại khá ảm đạm. Trong năm 2017 và 2019, Tập đoàn của doanh nhân Võ Minh Hoài lần lượt lỗ 37 và 69 tỷ đồng.

Trong đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu năm 2020 với mục đích đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của dự án Khu du lịch và dịch vụ Sunrise Bảo Ninh.

Với đợt phát hành này, Trường Thịnh đặt mục tiêu cải thiện doanh thu, lợi nhuận sau thuế các năm tiếp theo. Cụ thể, doanh nghiệp của ông Võ Minh Hoài đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 515,6 tỷ đồng và mức 3.653 tỷ đồng trong năm 2022 (tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu ở mức 126,39%).

Với nhiều dự án nắm trong tay, nhu cầu vốn của Trường Thịnh dĩ nhiên là rất lớn. trước đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu năm 2020, Tập đoàn này cũng đã phát hành 434,6 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 21/10/2019.

Đây là các trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền. Lãi suất là 10,5%/năm. Kỳ hạn trả lãi là 6 tháng/lần kể từ ngày phát hành.

Tài sản đảm bảo là gần 182 triệu cổ phần của ông Võ Minh Hoài tại Tập đoàn Trường Thịnh. Giá trị cổ phần cầm cố là 1.976 tỷ đồng căn cứ Chứng thư thẩm định giá số 2019/0189/CT-THANHTIN ngày 30/9/2019 của Công ty TNHH thẩm định giá Thành Tín, tương đương gần 11.000 đồng/cổ phần. Được biết, số cổ phần này chiếm 96,3% vốn của Trường Thịnh.

Ngoài phát hành trái phiếu, doanh nghiệp của ông Võ Minh Hoài cũng liên tục huy động vốn từ ngân hàng.

Cụ thể vào ngày 5/1/2019, tập đoàn thế chấp các phương tiện cơ giới như: máy ủi, máy đào, xe ô tô tải,… để vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngày 27/6/2019, thế chấp tiền gửi có kỳ hạn 1 năm, mệnh giá 12 tỷ đồng, lãi suất 6,8%/năm (phát hành bởi BIDV) tại BIDV – chi nhánh Quảng Bình. Ngày 8/7/2019, thế chấp máy san, máy ủi,… tại BIDV; Ngày 12/8/2019, thế chấp dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tại Ngân hàng TCMP Sài Gòn Hà Nội Chi nhánh Vạn Phúc. Đến ngày 28/8/2019, tiếp tục thế chấp xe ô tô con Mishubishi, máy lu rung tại BIDV – chi nhánh Quảng Bình.

Trong năm 2020, Trường Thịnh còn bán bớt một phần dự án Khu du lịch và dịch vụ Sunrise Bảo Ninh cho CTCP dịch vụ du lịch Onsen Fuji của ông Nguyễn Hoàng Linh.
PV
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://www.doisongphapluat.com/lo-trai-phieu-500-ty-va-tham-vong-tap-doan-truong-thinh-cua-doanh-nhan-vo-minh-hoai-a560429.html