Hụt thu phí bảo hiểm gốc, lợi nhuận tăng trưởng âm

Theo báo cáo tài chính quý 3/2021, Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm gần 400 tỷ đồng (tương đương 4%) so với cùng kỳ còn gần 9.279 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ phí nhượng tái bảo hiểm giảm 22% xuống còn hơn 849 tỷ đồng, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt vẫn nhích nhẹ 3%, lên gần 8.985 tỷ đồng.

Kinh doanh với lợi nhuận thụt lùi, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) khó trở lại đà tăng trưởng? - Ảnh 1

Trong kỳ, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm không còn vượt mặt doanh thu như cùng kỳ, BVH lãi gộp kinh doanh bảo hiểm gần 293 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận từ hoạt động tài chính lại giảm 5% xuống 1.825 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, lần lượt 8% và 27% so với cùng kỳ.

Kết quả, Bảo Việt lãi ròng 441 tỷ đồng, giảm gần 7% trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 423 tỷ đồng, cũng giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Bảo Việt lãi ròng 1.437 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về chủ sở hữu tập đoàn đạt gần 1.358 tỷ đồng, tăng gần 25% so cùng kỳ.

Kinh doanh với lợi nhuận thụt lùi, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) khó trở lại đà tăng trưởng? - Ảnh 2

Thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của Bảo Việt đã tăng 13% so với đầu năm lên hơn 165.100 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 9.000 tỷ đồng lên mức 15.872 tỷ đồng, tức là gấp 2,3 lần đầu năm.

Tổng đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn chiếm đến 81% tổng tài sản với hơn 134.500 tỷ đồng. Nợ phải trả chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ dài hạn hơn 119.300 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm trong đó nợ vay ngắn hạn đã tăng gấp 2,5 lần lên hơn 2.220 tỷ đồng.

Tỷ lệ tổn thất sẽ tăng trở lại trong quý 4/2021 và năm 2022

 

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bảo Việt gây bất ngờ khi ghi nhận tỷ lệ tổn thất thấp nhất trong vòng 4 năm qua là 41,2%. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng tỷ lệ tổn thất thấp này là do: Thứ nhất là phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng âm kể từ quý 1/2020. Thứ hai là BVH chuyển hướng sang mảng bảo hiểm sức khỏe trong 2 năm qua để cải thiện khả năng lợi nhuận. Cuối cùng là thứ ba là khả năng có sự trì hoãn trong xử lý yêu cầu bồi thường trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội trong quý 3/2021.

Nguyên nhân thứ ba có thể tạo ra áp lực tăng tỷ lệ tổn thất trong quý 4/2021 tuy nhiên tỷ lệ tổn thất năm 2021 có thể đạt 47,3% thấp hơn so với con số 52,5% trong dự báo trước đó. VCSC dự báo tỷ lệ tổn thất năm 2022 sẽ tăng 5,6 điểm % lên 52,9% từ mức thấp vào năm 2021.

Từ tháng 9 đến đầu tháng 11/2021, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam đã tăng khoảng 10 điểm cơ bản trước khi giảm vào cuối tháng 11 xuống còn khoảng 2,07%. Tuy nhiên, VCSC duy trì kỳ vọng lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ phục hồi vào năm 2022, do đó giảm bớt áp lực lên lợi nhuận của Bảo Việt.

Mặt khác, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thu nhập của các công ty bảo hiểm tăng mạnh trong năm 2021 là kết quả tạm thời do các yếu tố kỹ thuật và việc hoãn bồi thường và dự báo đà tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ khó duy trì như năm 2021 khi chi phí sẽ gia tăng trở lại.

 

Minh Nhật


Nguồn Congluan
Link bài gốc

https://congluan.vn/kinh-doanh-voi-loi-nhuan-thut-lui-tap-doan-bao-viet-bvh-kho-tro-lai-da-tang-truong-post175527.html