Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý 1/2021 vừa công bố, nhìn chung hoạt động kinh doanh của Nam A Bank tăng trưởng so với cùng kỳ.
|
|
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2021 (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021). |
Quý 1/2021, thu nhập lãi thuần tại Nam A Bank đạt gần 902 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ. Các hoạt động ngoài lãi cũng đem về kết quả tăng trưởng như lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gần 126% lên 101 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 25% lên mức 30,5 tỷ đồn; thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng tăng gần 21% nhưng chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng thu nhập hoạt động chung.
Trong khi đó, kinh doanh ngoại hối tại Nam A Bank lại giảm 10% xuống còn 13 tỷ đồng.
Trong quý 1/2021, chi phí hoạt động tại Nam A Bank đạt 590 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Do đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt tăng gần 223% lên 461 tỷ đồng.
Điểm đặc biệt là kỳ này, Nam A Bank không trích lập chi phí dự phòng rủi ro, do đó, ngân hàng báo lãi trước và sau thuế quý 1/2021 gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, lần lượt đạt gần 461 tỷ đồng và gần 368 tỷ đồng.
Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là biện pháp hữu hiệu nhất ngân hàng dùng để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, kỳ này Nam A Bank ‘nói không’ với dự phòng rủi ro nên nợ xấu tại nhà băng này lại leo thang trong khi năm 2020 nợ xấu giảm tới 44%.
Cụ thể, tính đến 31/3/2021, tổng nợ xấu tại Nam A Bank tăng hơn 19% so với đầu năm, lên mức gần 887 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 39% lên mức 193 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tặng vọt 47% lên mức gần 202 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 5%, ghi nhận gần 492 tỷ đồng. Kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,83% lên 0,95%.
|
|
Tính đến 31/3/2021, nợ xấu tại Nam A Bank tăng 19%. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021). |
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản Nam A Bank đạt 137.552 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5% với 93.668 tỷ đồng.
Đến cuối kỳ, khoản lãi dự thu tại Nam A Bank tiếp tục tăng 25% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3.284 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 130.585 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có gần 6.967 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả tại Nam A Bank gấp gần 19 lần so với chủ sở hữu.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào doanh nghiệp có thể chi trả cho các hoạt động. Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ.
|
|
Đáng chú ý, dù Nam A Bank báo lãi khủng nhưng dòng tiền kinh doanh âm trong quý 1/2021. |
Cụ thể, trong quý 1/2021, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 2.333 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đạt hơn 959 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 2.337 tỷ đồng, cùng kỳ 2020 đạt 968 tỷ đồng.
Về nguồn vốn kinh doanh tại Nam A Bank, tính đến 31/3/2021, tiền gửi của khách hàng tăng nhẹ 5% so với đầu năm, đạt hơn 103.594 tỷ đồng; các khoản nợ Chính phủ và NHNN tăng 60% lên mức 27.563 tỷ đồng; tiền gửi của các TCTD khác còn 11.402 tỷ đồng, giảm 14%; tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 56% xuống gần 1.932 tỷ đồng; tiền mặt tại Nam A Bank cũng giảm 10% xuống còn 888 tỷ đồng.
Năm 2021, Nam A Bank đặt mục tiêu đến cuối năm, tổng tài sản đạt 148,000 tỷ đồng, tăng 10.2% so với đầu năm. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 122,000 tỷ đồng, tăng 16%. Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 107,000 tỷ đồng, tăng 20% nhưng đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.
Ngày 09/10/2020, Nam A Bank đã chính thức giao dịch trên hệ thống UPCoM và Ngân hàng cũng đã gửi hồ sơ xin niêm yết đến Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và đang chờ ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Hà Phương