4 lý do thận trọng với lợi nhuận ngân hàng quý I/2021

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo phân tích về triển vọng trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2021.

Theo tính toán của nhóm chuyên gia, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng năm 2021 dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan, khoảng 20-25% (so với mức tăng 15,8% của năm 2020).

leftcenterrightdel
Lợi nhuận ngân hàng năm 2021 dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan, khoảng 20-25% (so với mức tăng 15,8% của năm 2020). 

Lý giải cho mức tăng trưởng cao hơn của lợi nhuận trong năm 2021, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhìn nhận, triển vọng tích cực của kiểm soát dịch Covid-19 cùng với tiến trình sản xuất, cung ứng vaccine tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021.

Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ tích cực hơn năm 2020 và có thể tăng khoảng 12-14% trong năm 2021.

Ngoài ra, thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động cũng sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt hơn nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến qui trình và cơ cấu lại màng lưới, tổ chức – bộ máy.

Cùng với gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) không quá lớn (theo Thông tư 03 hiệu lực từ ngày 17/5/2021, lộ trình trích lập DPRR của các khoản nợ được cơ cấu lại sẽ thực hiện trong 3 năm, với năm 2021 trích 30%). Theo tính toán sơ bộ của nhóm chuyên gia, tổng mức DPRR cần trích thêm của toàn hệ thống ngân hàng sẽ vào khoảng 40.000 -45.000 tỷ đồng.

Tính tới thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2021, với mức tăng khá cao. Đơn cử như MSB tăng 300%, CTG tăng 150%, MBB tăng 100%, ACB tăng 61%, VCB tăng 35%... so với cùng kỳ năm 2020,…

Dù có nhiều yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của lợi nhuận ngân hàng năm 2021, song nhóm chuyên gia cho rằng, cần thận trọng với kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2021.

4 lý do đưa ra, đó là lợi nhuận quý I không phản ảnh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm do chưa trích lập đủ DPRR. Dẫn chứng số liệu lịch sử cho thấy, trích lập DPRR của các ngân hàng rất khác nhau theo quý và có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm.

Hai là, Thông tư 03 mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 nên nhiều ngân hàng chưa trích lập DPRR (30%) theo tinh thần của Thông tư này.

Ba là, lợi nhuận quý 1 năm nay so với nền lợi nhuận rất thấp của quý 1/2020, nên tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng số tuyệt đối lớn hơn không nhiều.

Bốn là, nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp và nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn (trong quý 1/2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 23.837 doanh nghiệp, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020); khiến nợ xấu (gồm cả nợ nhóm 2) có thể tăng lên và như vậy, lợi nhuận các quý còn lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

leftcenterrightdel
Chuyên gia đánh giá, cần thận trọng với kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2021 

Không loại trừ khả năng lợi nhuận "đột biến" vì bị "thổi phồng"

Nêu quan điểm về kết quả lợi nhuận của các ngân hàng quý gần nhất, chuyên gia ngân hàng Đỗ Hoài Linh thừa nhận, có nhiều yếu tố thúc đẩy lợi nhuận quý I/2021 của các ngân hàng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng con số về lợi nhuận có thể bị "thổi phồng"so với thực tế.

"Một số ngân hàng có mức lợi nhuận "đột biến" gấp 2 hay 3 lần so với cùng kỳ cũng phải xem xét cẩn thận việc bị "thổi phồng". Tất nhiên, việc ngân hàng làm con số lợi nhuận đẹp lên (nếu có) vì mục đích khác nhau, nhãn tiền có thể thấy là vì đạt được mục tiêu cao như kế hoạch các ngân hàng đã đề ra", bà Linh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế đến từ Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global thì cho rằng, mặc dù các con số lợi nhuận được các ngân hàng thương mại đưa ra gần đây khá lạc quan, nhưng cần nhìn tổng thể cả hệ thống chứ không phải chỉ một vài ngân hàng tốt.

Hiện nay, nếu lấy chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình của các nước thuộc ASEAN là 13-15% làm cơ sở thì các ngân hàng của Việt Nam được chia thành 3 nhóm, trong đó một số ngân hàng thuộc nhóm này, một số ngân hàng thuộc nhóm vượt trội và một số ngân hàng có chỉ số ROE rất thấp (tập trung chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ).

Theo vị chuyên gia này, đây là điều đáng quan ngại vì ngân hàng nhỏ dù thường linh động và có cơ hội tăng trưởng hơn, nhưng các ngân hàng nhỏ ở Việt Nam rất yếu kém, nhiều rủi ro trở thành ngân hàng 0 đồng, ảnh hưởng đến cả hệ thống.

 

 

Huyền Anh

Nguồn Datviet
Link bài gốc

https://etime.danviet.vn/khong-loai-tru-kha-nang-loi-nhuan-cua-cac-ngan-hang-dot-bien-vi-bi-thoi-phong-20210413150227454.htm