leftcenterrightdel
Khổ sở vì mua Tòa nhà SaigonTech 

Trong đơn thư gửi báo Dân Việt, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho biết: "Chúng tôi đang cảm thấy rất bức xúc và khó khăn; trong tình hình dịch Covid-19, chúng tôi đã phải đổ mọi nguồn lực - kể cả đi vay ngân hàng, để tham gia đấu giá tài sản. Thế nhưng đến nay đã gần 3 tháng trúng đấu giá, chúng tôi vẫn chưa được tiếp quản, chưa tiếp cận được tài sản của mình. Trong khi đó, lãi vay thì lại tăng lên theo thời gian".

leftcenterrightdel
Tòa nhà SaigonTech đã được SCB rầm rộ đấu giá nhưng vẫn không thể bàn giao cho đơn vị trúng đấu giá (Ảnh: IT) 

Trúng đấu giá nhưng không được nhận tài sản

Theo tìm hiểu của Dân Việt, từ trung tuần tháng 8, Ngân hàng Thương mại - Cổ phần Sài Gòn (SCB) đã thông báo bán đấu giá nhiều tài sản để xử lý nợ xấu. Trong khối tài sản này, đáng chú ý là thông tin bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tại lô số 14, khu công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM.

Cụ thể: Thửa đất có diện tích 5.646m2, có mục đích sử dụng là xây dựng Trường Kỹ thuật Tin học Sài Gòn (SaigonTech). Thời hạn sử dụng đất đến ngày 24/12/2056. Hạng mục công trình gắn liền trên đất là tòa nhà 1 tầng hầm, 12 tầng và 1 tầng kỹ thuật, xây dựng năm 2006. Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là hơn 190,6 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế GTGT); mỗi bước giá là 200 triệu đồng.

Khách hàng tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước bằng 10% giá khởi điểm (tức hơn 19 tỷ đồng).

Trong thông báo về việc đấu giá tài sản này, SCB cho biết: "Tài sản được bán theo hiện trạng thực tế, có sao bán vậy, khách hàng có trách nhiệm xem xét về tình trạng, chất lượng của tài sản trước khi đăng ký tham gia đấu giá. Khách hàng mua trúng đầu giá có trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của dự án, đảm bảo tiếp tục thực hiện theo đúng mục tiêu và nội dung của dự án.

Liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin thực hiện/cấp phép dự án đối với tài sản mua trúng đấu giá theo quy định của pháp luật và chịu mọi chi phí phát sinh nếu có".

Đến ngày 11/9, phiên đấu giá được tổ chức bởi Công ty Đấu giá Hợp danh Mộc An Thịnh. Có hai đơn vị tham gia đấu giá khối tài sản này gồm Trường cao đẳng Quốc tế Cetana PSB Intellis và Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tham gia đấu giá. Tuy nhiên, sau đó Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã trúng đấu giá với mức giá đưa ra là 191,03 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Tòa nhà SaigonTech tọa lạc tại lô số 14, khu công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM 

Theo biên bản đấu giá tài sản, có ghi rõ: "Ngân hàng TMCP Sài Gòn có nghĩa vụ phối hợp với người trúng đấu giá thực hiện thủ tục chuyển nhượng tài sản cho người trúng đấu giá trong vòng 10 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá tài sản đã nộp đủ 50% tiền mua tài sản". Tuy nhiên, SCB cũng lưu ý, trong trường hợp khó khăn phức tạp, ngân hàng sẽ cùng bên trúng đấu giá có thể thỏa thuận gia hạn thời gian nhận tài sản trên thực địa…

Ông Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho hay: "Đến nay, phía SCB vẫn chưa có động thái nào về việc bàn giao tài sản; đồng thời, SCB cũng chưa gặp gỡ để thỏa thuận gì về gia hạn thời gian nhận tài sản trên thực địa".

Tiến, thoái lưỡng nan

Hơn 3 tháng kể từ khi đấu giá thành công, mặc dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (theo tiến độ của hợp đồng mua bán tài sản đấu giá); nhưng đến nay Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn vẫn chưa nhận được tài sản.

TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho biết thêm: "Để có tiền tham gia đấu giá, chúng tôi phải cân đối mọi nguồn lực của nhà trường mới có đủ vốn. Tuy nhiên, cũng phải vay thêm ngân hàng.

Chỉ tính riêng khoản lãi vay ngân hàng, tính đến hiện tại, chúng tôi đã mất khoảng 5 tỷ đồng. Chưa kể, càng chậm nhận được tài sản chừng nào, thiệt hại của chúng tôi càng lớn, do đã có những kế hoạch sử dụng tòa nhà SaigonTech sao cho đồng vốn đạt hiệu quả tốt nhất. Giờ thì…"

Trong khi đó, không chỉ chịu khoản lãi vay ngân hàng, Trường Đại Việt Sài Gòn còn phải mất thời gian, chi phí cho việc… hầu tòa. Lý do là phía Công ty CP Quản trị Tài nguyên Tri Thức (đơn vị chủ sở hữu tòa nhà SaigonTech) đã khởi kiện SCB lên Tòa án nhân dân quận Tân Bình và quận Gò Vấp, khi cho rằng SCB tổ chức thu giữ, bán đấu giá tài sản trái pháp luật. Theo đó, phía Trường Đại Việt Sài Gòn là "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan".

Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đã liên hệ với ông Diệp Bảo Châu - phó Tổng Giám đốc SCB (người được SCB giới thiệu là phó Tổng Giám đốc khối quản lý rủi ro). Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, ông này cho biết mình không còn phụ trách quản lý rủi ro nữa.

Trong khi đó, phía bộ phận truyền thông SCB thì đề nghị phóng viên gửi câu hỏi, những vấn đề còn thắc mắc để SCB giải đáp những thông tin liên quan đến việc đấu giá tòa nhà SaigonTech, cũng như các quy trình về xử lý tài sản đảm bảo của nhà băng này...

Dù vậy, sau 3 ngày gửi câu hỏi, đến nay (ngày 21/12), SCB vẫn chưa có phản hồi về vụ việc này.

Được biết, hiện Tòa án nhân dân Q.Gò Vấp đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc cấm chuyển dịch quyền về tài sản với lô số 14, khu công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM.

Tòa nhà SaigonTech được khởi công xây dựng từ ngày 24/6/2006 với vốn đầu tư theo giới thiệu trên website Saigontech là 20 triệu USD, có bãi đáp trực thăng trên sân thượng. Trường có 89 phòng học và hội trường, thư viện, khu tự học, phòng lab, ký túc xá… Ngoài ra, website của trường SaigonTech cũng giới thiệu đây là phân hiệu chính thức và duy nhất tại Việt Nam của Trường Đại học Cộng đồng Houston, Texas, Mỹ.

 


Theo Dân Việt
Nguồn
Link bài gốc

https://danviet.vn/kho-so-vi-mua-cuc-mau-dong-no-xau-cua-ngan-hang-scb-20201221143611288.htm