Trong bối cảnh tiêu chuẩn cho vay đang bị thắt chặt, đặc biệt với các ngành bị hạn chế cấp tín dụng như bất động sản, BOT giao thông và hạ tầng, và đại đa số các doanh nghiệp đều không có tài sản thế chấp để có thể vay vốn trực tiếp từ ngân hàng, kênh trái phiếu đã và đang trở thành một kênh huy động vốn thay thế.

Thực tế trong 2 năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn đã tích cực chuyển dịch cơ cấu vốn vay từ vốn ngân hàng sang kênh trái phiếu, có thể kể tới một số doanh nghiệp như Masan Group, Kinh Bắc City, TNR Holdings...

Báo cáo của FiinGroup nhận định nhu cầu vay vốn để tái cấu trúc nợ (tương tự như việc giãn nợ của kênh tín dụng ngân hàng qua Thông tư 01) sẽ là nhu cầu lớn của kênh  trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn cần thêm thời gian để có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng như vốn để tái cấu trúc nợ trong khi mô hình kinh doanh về dài hạn và vị thế của họ vẫn rất tốt.

Kẹt vốn, loạt doanh nghiệp huy động trái phiếu để đảo nợ? - Ảnh 1

Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, phần lớn các thương vụ trái phiếu quy mô lớn được thực hiện nhằm mục đích tái cấu trúc nợ, đảo nợ.

Đơn cử, tháng 3/2021, TNR Holdings đã hút về 400 tỷ đồng từ phát hành lô trái phiếu mã TNR.L.20.27.002 với kỳ hạn 7 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm và cho các kỳ tiếp theo bằng tổng của 3,8% cộng với lãi suất tham chiếu.

Mục đích phát hành dùng để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của công ty; tăng quy mô vốn hoạt động và cơ cấu lại các khoản nợ chính.

Thông tin về kết quả phát hành trái phiếu tại TNR Holdings.
Thông tin về kết quả phát hành trái phiếu tại TNR Holdings.

Tương tự, tháng 8/2021 CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp)  thực hiện hai thương vụ phát hành trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất dự kiến cố định ở mức 11%/năm.

Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này bao gồm cổ phần trong CTCP Daeha và trong chính Bông Sen Corp; quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất của các khu đất nằm tại các quận trung tâm của TP HCM; và các tài sản và quyền lợi có liên quan khác. Các thương vụ đều được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán VPS (VPS) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Trong đó, Bông Sen Corp đã phát hành 480 tỷ đồng trái phiếu mã BSECH2122001 cho 2 nhà đầu tư tổ chức nhằm tăng quy mô vốn hoạt động.

Bên cạnh đó, công ty này đã hút về 4.320 tỷ đồng từ phát hành lô trái phiếu mã BSECH2122002 cho 10 nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm 2 công ty chứng khoán và 8 tổ chức khác). Tổ chức mua nhiều nhất được ký hiệu là ‘Công ty I’ đã mua vào 900 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 20,83% số cổ phiếu phát hành.

Đáng chú ý, số tiền thu về từ việc phát hành lô trái phiếu này sẽ được Bông Sen Corp dùng để cơ cấu lại các khoản nợ do công ty phát hành riêng lẻ từ năm 2019.

Kẹt vốn, loạt doanh nghiệp huy động trái phiếu để đảo nợ? - Ảnh 2
Thông tin về kết quả phát hành trái phiếu tại Bông Sen Corp.
Thông tin về kết quả phát hành trái phiếu tại Bông Sen Corp.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City - KBC) mới đây đã thông báo bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn tại ngày 3/6/2023. Lãi suất cố định 10,5%/năm được trả định kỳ 6 tháng/lần.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi,không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu KBC thuộc sở hữu của bên thứ 3.

Mục đích phát hành để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; và cơ cấu lại nguồn vốn của chính công ty, bao gồm nhưng không giới hạn các khoản nợ vay đến hạn trong năm 2021.

Tính đến cuối tháng 6/2021, Kinh Bắc đi vay tổng cộng 7.490 tỷ đồng, tăng 30% so với ngày đầu năm và phần lớn là nợ vay dài hạn. Trong đó dư nợ trái phiếu tính đến 30/6 là 2.480 tỷ đồng.

Kẹt vốn, loạt doanh nghiệp huy động trái phiếu để đảo nợ? - Ảnh 3
Thông tin về kết quả phát hành trái phiếu tại KBC.
Thông tin về kết quả phát hành trái phiếu tại KBC.

Ngày 16/6, CTCP Bất động sản Mỹ (Bất động sản Mỹ) tiếp tục phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và lãi suất 10% mỗi năm. Tính trong hai tháng 5 và 6, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) đã thu xếp cho doanh nghiệp này huy động 1.400 tỷ đồng trái phiếu.

Tương tự cho những đợt phát hành gần đây, doanh nghiệp sẽ sử dụng vốn đầu tư các dự án, tăng quy mô vốn hoạt động và cơ cấu lại các khoản nợ.

Có thể thấy, phần lớn các thương vụ trái phiếu quy mô lớn được thực hiện trong quý 2/2021 và quý 3/2021, phục vụ đồng thời hai mục đích M&A dự án và cơ cấu nợ, đảo nợ. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển nóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, "thị trường trái phiếu hiện nay đang rất nóng, nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu dần hiện rõ, đặc biệt là trái phiếu bất động sản".

Bộ Tài chính cũng đã đưa ra cảnh báo việc phát hành TPDN riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

 

Hoàng Long (t/h)


Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/ket-von-loat-doanh-nghiep-huy-dong-trai-phieu-de-dao-no-d26093.html