Vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) đã tổ Hội nghị chức sơ kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Ông Phạm Quang Dũng – Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Website)
Ông Phạm Quang Dũng – Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Website)

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, trước diễn biến bất thường của môi trường kinh tế trong 6 tháng đầu năm do tác động của dịch COVID-19 tới toàn bộ nền kinh tế nói chung và Vietcombank nói riêng, ngân hàng đã ghi nhận kết quả khả quan.

Cụ thể, dư nợ tín dụng tại Vietcombank đạt trên 920.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2020, trong đó tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 11,9% so với cuối năm 2020, chiếm 54,8% tổng dư nợ tín dụng. Cùng với đó, huy động vốn thị trường I đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2020. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ. Ngân hàng duy trì là TCTD có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường với quy mô lên đến 430.000 tỷ đồng…

Như vậy, huy động – cho vay tại Vietcombank mất cân đối khi dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 9,8% trong khi huy động chỉ nhích nhẹ 1,8%. Do đó, LDR tại Vietcombamk (tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) trong 6 tháng đầu năm trong khoảng 87% – 91%, trong khi thời điểm 31/12/2020 tỷ lệ LDR là 80%. Điều này cũng ‘góp phần’ khiến thanh khoản tại Vietcombank đang 'mỏng dần'.

Bởi tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là một trong những thước đo quan trọng được sử dụng trong hoạt động quản lý và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm đánh giá thanh khoản hay khả năng chi trả của một tổ chức tín dụng.

Tỷ lệ LDR càng cao thì khả năng sinh lời càng cao nhưng đồng thời với đó, tính thanh khoản của ngân hàng cũng giảm đi tương ứng, rủi ro thanh khoản tăng theo. Hiểu đơn giản, nếu tỷ lệ LDR của ngân hàng tiệm cận 100% hoặc lớn hơn 100% thì khả năng tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị rút tiền gửi đột ngột kém.

Điều này cũng có nghĩa là, ngân hàng đang cho vay quá nhiều, vượt nguồn huy động đầu vào. Khi có vấn đề phát sinh, ngân hàng không có khả năng tự xoay xở sẽ phải vay mượn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) với chi phí khá cao, trong khi lợi nhuận thu về có thể không đủ bù chi phí.

Trái lại, nếu tỷ lệ LDR thấp thì thanh khoản ngân hàng tốt, có thể thoải mái tăng trưởng, dễ dàng quyết định đầu tư và cho vay, khi nhiều khách hàng rút tiền gửi cùng lúc cũng không khó để đáp ứng.

Ngân hàng Nhà nước hiện đang yêu cầu mức LDR tối đa của các ngân hàng thương mại là 85%. Tức, ngân hàng huy động được 100 đồng chỉ được cho vay 85 đồng, còn 15 đồng phải để dự trữ, làm “bộ đệm” thanh khoản. Và 15 đồng dự trữ này thường được ngân hàng mua tài sản có tính thanh khoản cao để dự trữ như trái phiếu chính phủ.

Việc tỷ lệ LDR của Vietcombank tăng lên cho thấy “bộ đệm” thanh khoản đang chịu áp lực.

Trước đó, tại thời điểm 31/3/2021, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại Vietcombank chỉ còn 16.283 tỷ đồng trong khi đầu năm ở mức 36.394 tỷ đồng. Việc KBNN rút lượng tiền lớn khiến VCB mất đi một lượng vốn lớn với chi phí giá rẻ và ít nhiều ảnh hưởng tới thanh khoản.

Tiền gửi của KBNN tại Vietcombank (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021)
Tiền gửi của KBNN tại Vietcombank (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021)

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research ước tính lãi trước thuế quý 2 tại Vietcombank đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ. NIM trong quý 2 tiếp tục cải thiện lên xấp xỉ 3,3% so với 3,16% trong quý 1. Hệ số CIR ước tính là 33,5%, trong khi nợ xấu vẫn dưới 1% và chi phí tín dụng giảm so với quý trước.

Trong thời gian qua, Vietcombank cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch COVID-19 thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu nợ. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất 6 tháng đầu năm là 2.115 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank cũng đã dành hơn 170 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đóng góp 60 tỷ đồng cho Qũy vắc xin phòng chống COVID-19, góp phần đồng hành cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh, ổn định dân sinh.

 

Hà Phương


Nguồn Vnfinance
Link bài gốc

https://vnfinance.vn/huy-dong--cho-vay-tai-vietcombank-mat-can-doi-thanh-khoan-co-chiu-ap-luc-27772.html