Loạt cổ phiếu ngân hàng ‘quốc dân’ thi nhau xuống dốc
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9, cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank dừng ở mức 25.700 đồng/cổ phiếu, giảm 24% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 5 ở mức 33.800 đồng/cổ phiếu (theo giá đã điều chỉnh).
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cổ phiếu này kể từ ngày 12/5 tới nay. Khi đó, STB từng là cổ phiếu "quốc dân" với lượng thanh khoản khủng nhất nhì trên thị trường, trung bình mỗi phiên đạt hơn 40 triệu đơn vị. Tuy nhiên, sau 4 đến 5 tháng, khối lượng giao dịch trung bình một phiên của cổ phiếu này hiện chỉ còn dao động quanh mức 10 - 15 triệu đơn vị.
Một cổ phiếu “quốc dân” khác từng được nhà đầu tư thi nhau “phím hàng” với lượng thanh khoản không thua kém gì STB là cổ phiếu LPB của ngân hàng LienVietPostBank hiện cũng đang xuống dốc không phanh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9/2021, cổ phiếu LPB xuống thấp nhất trong gần nửa năm, dừng ở mức 21.650 đồng/cổ phiếu, giảm 28,5% so với đỉnh hồi đầu tháng 6/2021 (30.220 đồng/cổ phiếu - theo giá đã điều chỉnh).
Nếu so với thời "hoàng kim" là tháng 5, tháng 6 vừa qua, thanh khoản của cổ phiếu LPB cũng đã sụt giảm đáng kể, khối lượng giao dịch trung bình tụt từ 20 -30 triệu cổ phiếu/phiên xuống còn chưa đến 10 triệu cổ phiếu/phiên.
Mới đây, nhóm phân tích của SSI Research đã đưa ra một số dự báo về hoạt động tái cơ cấu chỉ số VNDiamond dựa trên số liệu ngày 22/9. Cụ thể, LPB có thể bị loại khỏi chỉ số do tỷ lệ FOL theo cách tính mới bị điều chỉnh giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch 30/9, cổ phiếu VIB của ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng chung cảnh khi chứng kiến giá cổ phiếu xuống thấp nhất trong gần nửa năm, giảm gần 33% so với đỉnh hồi đầu tháng 6/2021, từ 52.500 đồng/cổ phiếu xuống 35.950 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản theo đó cũng giảm mạnh.
Tương tự, cổ phiếu CTG của VietinBank đã giảm 1,8% xuống còn 30.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 30% so với đỉnh hồi tháng 6/2021.
Rủi ro pha loãng cổ phiếu ngân hàng đang hiện hữu
Theo giới phân tích, trong dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá có triển vọng khả quan. Song, ở ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng diễn biến cuối năm tại các cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh.
Đáng lưu ý, hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 6 tỷ cổ phiếu đổ bộ lên sàn. Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng nữa.
Theo quy định, chậm nhất đến ngày 1/1/2023 là các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Do đó, việc tăng vốn vừa giúp ngân hàng có thể đáp ứng được yêu cầu về an toàn vốn, chịu được những khoản vay rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, có thêm vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, sau đà tăng trưởng 34% trong 6 tháng đầu năm, giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã điều chỉnh đáng kể so với vùng đỉnh, giảm 15%, trong khi triển vọng lợi nhuận nhóm này được đánh giá là kém tích cực.
Được biết, phát hành cổ phiếu tăng vốn nhiều nhất phải kể đến CTG. Hiện nhà băng này dẫn đầu ngành cũng như toàn bộ thị trường chứng khoán về số cổ phần đang niêm yết 4,8 tỷ cổ phiếu.
Ngoài ra, ngân hàng VIB cũng đã thông báo phát hành hơn 443 triệu cổ phiếu VIB lên sàn chứng khoán thông qua phương án tăng vốn tối đa 43% vốn điều lệ. Trước đó, VIB đã niêm yết gần 1 tỷ cổ phiếu trên sàn.
Còn tại LienVietPostBank, cuối năm 2020 đã đưa gần 1 tỷ cổ phiếu LPB giao dịch trên sàn chứng khoán. Đến giữa năm 2021, được chấp thuận tăng vốn thông qua trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu.
Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức năm 2020, LienVietPostBank sẽ tiếp tục thực hiện các đợt tăng vốn theo kế hoạch để tăng vốn điều lệ lên mức hơn 15.700 tỷ đồng thông qua các hoạt động: phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 9,99%, phát hành cho cổ đông hiện hữu 265 triệu cổ phiếu, phát hành 35 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Theo nhận định của giới chuyên môn, tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngân hàngnếu không đủ tốt những tháng cuối năm sẽ khó lòng bù đắp được mức độ pha loãng khi hơn chục tỷ cổ phiếu đổ bộ lên sàn.
FiinPro trong báo cáo nhóm ngân hàng cũng cho rằng, thời điểm hiện tại chính là những lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro pha loãng các chỉ số định giá sau khi ngân hàng phát hành tăng vốn thành công. Yếu tố phát hành cổ phiếu một mặt có tác động rất tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá và do đó, nhà đầu tư nên đánh giá từng cổ phiếu riêng lẻ trong xem xét này.
Cụ thể, trong tổng số 102,6 nghìn tỷ đồng giá trị phát hành vốn mới (bao gồm đã thực hiện và dự kiến thực hiện trong năm 2021) của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết thì các ngân hàng chiếm 21,4% và lên tới 22 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, thì tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020. Đây là lý do khiến EPS của các Ngân hàng ước tăng 4,6% trong năm nay dù lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 23,8%.