Doanh thu tài chính tụt dốc, Masan hụt hơi các tháng cuối năm 2022
Cập nhật lúc 15:27, Thứ tư, 01/02/2023 (GMT+7)
Quý IV/2022, Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 20.642 tỷ đồng, báo lãi 804 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý trở lại đây của tập đoàn này.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Theo đó, doanh thu thuần của Masan trong quý đạt 20.642 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Mặc dù giá vốn có sự tiết giảm từ 16.950 tỷ đồng trong quý IV/2021 xuống còn 15.088 tỷ đồng trong quý IV/2022 nhưng lợi nhuận gộp của công ty vẫn đi lùi, đạt 5.554 tỷ đồng.
Cùng chung xu hướng giảm của doanh thu thuần, doanh thu từ hoạt động tài chính của Masan cũng giảm sâu hơn 9 lần, còn 645 tỷ đồng.
Sự tụt dốc của doanh thu tài chính đã khiến lợi nhuận sau thuế của công ty sụt giảm hơn 88% xuống chỉ còn 804 tỷ đồng.
Theo giải trình biến động kết quả sản xuất kinh doanh, Masan cho biết lợi nhuận thuần trong quý sụt giảm là do Masan MEATLife’s (MML) ngừng hợp nhất mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ tháng 11/2021 và khoản lãi phát sinh một lần từ việc bán trái phiếu hoán đổi và ngừng ghi nhận khoản đầu tư vào các công ty con trong quý IV/2021.
Luỹ kế năm 2022, Masan đem lại khoản doanh thu thuần đạt 76.189 tỷ đồng, giảm 14% so với năm ngoái. Sau khi cấn trừ các chi phí, tập đoàn này báo lãi 4.754 tỷ đồng, giảm gần 53%.
Năm 2022, công ty đạt mục tiêu kế hoạch doanh thu đạt 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.900 tỷ đồng. Với kết quả trên, Masan đã không hoàn thành kế hoạch đã đề ra cho năm 2022.
Thông tin thêm về các mảng kinh doanh của Masan, The CrownX (TCX), nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WCM và MCH, ghi nhận doanh thu đạt 56.221 tỷ đồng vào năm 2022, giảm 3,1% so với năm trước.
Về MML, doanh thu của MML tăng lần lượt là 34,3% trong quý 4/2022 và 6,7% trong năm 2022 nhờ sản lượng thịt mát bán ra tăng. Doanh số bán hàng cao nhờ vào chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống từ mức 40% vào đầu năm 2022 xuống chỉ còn 20% từ tháng 5/2022. Nhờ đó, sản lượng thịt mát bán ra trong nửa cuối năm 2022 tăng 30% so với nửa đầu năm.
Thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Masan đạt 141.342 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Dư nợ phải trả đến ngày 31/12/2022 của công ty là 104.706 tỷ đồng, tăng 25%. Như vậy dư nợ phải trả của Masan chiếm tới 73% tổng tài sản.
Trong đó, các khoản vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính là 70.992 tỷ đồng, trong khi con số này ở đầu năm chỉ là 58.176 tỷ đồng.
Mới đây, Masan đã phê duyệt các tài liệu của bộ hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có đảm bảo với tổng mệnh giá 4.000 tỷ đồng. Số trái phiếu trên sẽ được Masan chào bán trong 2 đợt ra công chúng, mỗi đợt 60 tháng theo các phương án đã được phê duyệt.
Mục đích chào bán trái phiếu ra công chúng lần này nhằm tăng cường tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp và để huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Masan chia sẻ dự kiến chào bán trái phiếu ra công chúng để cơ cấu lại các khoản nợ, trong đó có việc thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu đã phát hành.
Theo phương án, Masan sẽ dùng 2.000 tỷ đồng huy động được để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN022023 (mã MSN12001) với tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 30/3/2020 và đáo hạn 30/3/2023.
Bên cạnh đó, 2.000 tỷ đồng còn lại dùng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN032023 (mã MSN12003) với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 12/5/2020 và đáo hạn 12/5/2023.
Nguyễn Phương Anh
Nguồn Người đưa tin Pháp luật Link bài gốchttps://www.nguoiduatin.vn/doanh-thu-tai-chinh-tut-doc-masan-hut-hoi-cac-thang-cuoi-nam-2022-a591834.html