Công ty Cổ phần Thép Vicasa – VnSteel (HoSE: VCA) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 506,2 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng. Tương tự, giá vốn cũng giảm 42% giúp lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng nhẹ lên 28 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 5%.

Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 18% xuống còn hơn 2 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng tiết giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi lên 15 tỷ đồng khiến cho Thép Vicasa chỉ đạt 7 tỷ đồng lợi nhuận thuần, giảm tới 41% so với cùng kỳ.

Kết quả, Thép Vicasa ghi nhận lãi sau thuế hơn 5 tỷ đồng trong quý I/2023, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, doanh nghiệp ngành thép này ghi nhận doanh thu đạt 2.335 tỷ đồng, giảm 11% so với 2021. Dù đã có lãi trở lại trong quý IV, tuy nhiên với mức thua lỗ nặng trong quý III/2022, Thép Vicasa vẫn lỗ sau thuế gần 6 tỷ đồng - đây là khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp.
leftcenterrightdel
 

Tính đến ngày 31/1/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp là 415 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm 31,6% xuống 13,1 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 23% so với đầu năm lên 242,7 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng 20% lên 225 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng hơn 19 lần lên 59,5 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn giảm 17%.

Cũng tại thời điểm cuối quý I/2023, vốn chủ sở hữu tăng nhẹ 3% lên 190 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối chuyển từ âm 2 tỷ đồng hồi đầu năm sang dương gần 3 tỷ đồng.

Thép Vicasa vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 với kế hoạch doanh thu 12 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 9,6 tỷ đồng; sản xuất luyện thép đạt 130.000 tấn; sản xuất cán thép đạt 125.000 tấn; tiêu thụ théo cán đạt 125.000 tấn. Đại hội cũng thông qua chia cổ tức 2022 tỉ lệ 7% và cổ tức dự kiến 3%, trích quỹ phúc lợi, khen thưởng 10%.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, tình hình ngành thép trong nước, hiện cung đã vượt cầu, bên cạnh đó là sự gia tăng sản lượng các thương hiệu như Hòa Phát, VAS... đòi hỏi họ phải chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần.

Do đó, thị trường trong năm 2023 sẽ cạnh tranh gay gắt về thị phần, trong đó chủ yếu cạnh tranh về giá bán. Giá bán thành phẩm trong nước hiện nay vẫn cao hơn giá mặt bằng trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Các đơn vị như Hòa Phát, VAS khó khăn trong xuất khẩu nên sẽ tập trung cạnh tranh trong nước.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng, với đặc tính sản lượng thép bán ra phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản nội địa, việc ngành địa ốc trầm lắng trong năm nay sẽ kéo theo nhu cầu trong nước khó tăng trưởng.

Đơn vị này dự phóng sản lượng thép nội địa năm 2023 giảm về mức gần 17,9 triệu tấn, giảm khoảng 10,5% so với cùng kỳ.

Thời gian qua, thị trường hứng khởi khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên theo quan điểm của MASVN, yếu tố này vẫn khó có khả năng kéo sự hồi phục của ngành thép bởi chính Trung Quốc vẫn đang trong cuộc khủng hoảng bất động sản.

Dẫu vậy, ngành thép vẫn có thể kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản. Ngân sách dành cho đầu tư công năm nay tăng cao nhất trong lịch sử, ước chi 704.000 tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân mục tiêu từ Chính phủ là 95%.
Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-thep-dau-tien-bao-lai-giam-sau-trong-quy-i-2023-a602669.html