Nhiều doanh nghiệp muốn bán cổ phiếu STB để thu hồi nợ
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) rao bán 176,4 triệu cổ phiếu Sacombank với giá cao gần gấp đôi trên sàn.
Cụ thể, vừa qua nhà đầu tư đang truyền tai nhau rằng lô cổ phiếu trên đã được đàm phán để chốt ở mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, Kienlongbank đã phản hồi sẽ không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu mặc cho việc thu hồi nợ xấu đang cấp thiết.
Được biết, gần 176,4 triệu cổ phiếu STB nói trên thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước, được thế chấp tại Kienlongbank, nên ngân hàng này muốn rao bán để thu hồi nợ. Nếu xử lý xong khoản nợ này, lợi nhuận năm 2020 của Kienlongbank sẽ ở mức 750 tỷ đồng trước thuế.
Trước đó, Kienlongbank đã 2 lần bán đấu giá 176,4 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ xấu, song chưa bán thành công.
Cụ thể, lần 1 vào ngày 22/1/2020 với mức giá khởi điểm là 24.000 đồng/cp. Tuy nhiên, thời điểm đó, giá cổ phiếu STB đứng ở mức 10.900 đồng/cp. Như vậy, mức giá mà Kienlongbank muốn bán cao hơn gấp 2,2 lần thị giá của STB.
Lần 2 vào ngày 17/2/2020 với giá khởi điểm là 21.600 đồng/cp, giá này đã hạ 10% so với lần đầu chào bán nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá cổ phiếu STB tại thời điểm đó đang ở mức 11.650 đồng/cp.
Trong năm 2019, giá cổ phiếu STB cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 13.000 đồng/cp. Từ năm 2015 trở về trước đó, STB mới có giao dịch với giá trên 20.000 đồng/cp.
Như vậy, mức giá mà Kienlongbank đưa ra quá cao khiến cả hai lần rao bán đều bất thành.
Trong khi đó, cổ phiếu KLB của Ngân hàng Kiên Long trong thời gian từ 20/1/2020 – 20/2/2020 chỉ ở quanh mức 11.500 đồng/cổ phiếu. Khoảng 9 tháng qua (22/1 – 24/9) giá cổ phiếu KLB cũng giảm khoảng 5%.
Việc rao bán cổ phiếu STB để thu hồi nợ bất thành khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Kienlongbank trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng cao, gấp 3,2 lần cùng kỳ, ghi nhận 79 tỷ đồng.
Tới cuối tháng 6/2020, Kienlongbank đang có tổng cộng 2.249 tỷ đồng nợ xấu, tăng hơn 6 lần so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 6,59%/tổng cho vay. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nợ nhóm 5, lên 2.145 tỷ đồng.
|
|
BCTC hợp nhất giữa niên độ 6 tháng đầu năm 2020 tại KIenlongbank |
Theo Kienlongbank, trong số nợ có khả năng mất vốn này có 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank được phân loại nợ nhóm 5 theo Quyết định số 2595/QĐ-NHNN ngày 18/12/2019 và các công văn khác có liên quan đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hiện nay, quy định cũng chỉ cho phép các đơn vị điều chỉnh không quá 10% giá tài sản đảm bảo trong lần đấu giá trước. Nhiều khả năng với mức giá chào bán vênh nhiều so với thị giá, Kienlongbank sẽ phải tổ chức thêm nhiều lần mới bán thành công.
Không chỉ Kienlongbank, mà Eximbank, Chứng khoán Liên Việt (LVS) cũng đang tập trung xử lý bán cổ phiếu STB để thu hồi nợ xấu.
Tại Eximbank, ngày 2/10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định. Do đó, HĐQT Eximbank cho biết, năm 2020, Ngân hàng sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.
Đây là tài sản bảo đảm của 7 khách hàng đã thế thấp cổ phiếu Sacombank để vay 746 tỉ đồng mua lại chính cổ phiếu Eximbank. Khoản cho vay quá hạn này khiến tỉ lệ cho vay chứng khoán/tổng dư nợ của Eximbank đến cuối năm 2019 là 6%, cao hơn mức tối đa theo qui định của Thông tư 36 là 5%.
Bên cạnh đó, CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS), tổ chức có liên quan ông Nguyễn Văn Huynh, Thành viên HĐQT Sacombank tiếp tục đăng ký bán hết 3 triệu cổ phiếu STB.
Trước đó, từ ngày 18/6 đến 17/7/2020, LVS cũng đăng ký bán lượng cổ phiếu STB nhưng đã không thực hiện được do điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Sacombank chuyền một khoản nợ “khủng” sang LienVietPostBank?
Tính đến ngày 30/6/2020 tổng nợ xấu tại Sacombank tăng 17% so với đầu năm, lên mức 6.682 tỷ đồng, tăng thêm gần 950 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt 185% so với đầu năm, lên mức hơn 850 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 32% lên mức hơn 544 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 5%, ở mức hơn 5.286 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,15%.
|
|
Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên đã soát xét năm 2020 tại Sacombank. |
Khoảng 2 năm trở lại đây, Sacombank là một trong những ngân hàng có nhiều hoạt động rao bán các tài sản bất động sản có giá trị khủng để thu hồi nợ xấu.
Đầu tháng 6/2020, Sacombank tổ chức ĐHĐCĐ với mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2020. Lãnh đạo ngân hàng cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm, doanh số đã đấu giá thành công là trên 9.700 tỷ đồng, thực thu tiền mặt là 1.800 tỷ đồng, từ giờ đến cuối năm sẽ thu phần còn lại. 7 tháng tới chắc chắn con số thu hồi nợ xấu sẽ vượt xa so con số kỳ vọng 11.000 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC) chỉ giảm nhẹ, từ mức 10,88% cuối năm 2019 xuống 10,23%, tương đương giảm 0,65 điểm%.
Nếu nhìn lại, năm 2018 Sacombank đặt mục tiêu xử lý nợ xấu 15.000 tỷ đồng và Ngân hàng đã xử lý được 13.000 tỷ đồng. Năm 2019, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, với mục tiêu xử lý khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng và Ngân hàng đã thu hồi và xử lý 18.400 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng.
Như vậy, năm 2020, tiến trình xử lý nợ xấu của Sacombank có vẻ đang chậm đáng kể do Covid-19.
Giữa lúc tốc độ xử lý nợ xấu gặp khó vì Covid-19 thì mới đây, xuất hiện nghi vấn Sacombank chuyển khoản nợ “khủng” sang LienVietPostBank?
Cụ thể, năm 2016, Dự án KĐT Sài Gòn - Bình An của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) được định giá gần 20.000 tỷ đồng khi thế chấp tại các chi nhánh của Sacombank. Đáng lưu ý, thời điểm đó dự án mới chỉ là một khu đất trống, cỏ um tùm, thậm chí là tình trạng pháp lý không rõ ràng.
Thông tin trên tờ The Leader cho biết, để thực hiện giao dịch này, 8 chi nhánh của Sacombank đã cùng tham gia bao gồm các chi nhánh Trung tâm, Sài Gòn, Bến Thành, Gò Vấp, Quận 12, Chợ Lớn, Củ Chi và Quận 8.
Cũng trong năm 2016, báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ Sacombank cho biết, nhà băng này có tổng tài sản hơn 320.000 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu hơn 18.800 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2016 cũng chỉ hơn 190.000 tỷ đồng. Giả định giá trị giải ngân chỉ chiếm 70% giá trị tài sản đảm bảo dự án thì Sacombank thời điểm đó có thể đã chi tới hơn 13.600 tỷ đồng, tương đương 72% vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, cuộc khủng hoàng Trầm Bê khiến ngân hàng đang phải “gồng mình” xử lý hậu quả. Vì vậy, khoản nợ đến gần tỷ đô tại một dư án "trên giấy" đã khiến nhiều nhà đầu tư thời điểm đấy khá bất ngờ.
|
|
Dự án "đắp chiếu" suốt 20 năm. |
Sau gần 5 năm Sacombank “chôn vốn” tại dự án Sài Gòn - Bình An. Mới đây, cả dự án và khoản đảm bảo đều có chuyển động mới. Tháng 4/2020, nhiều trang rao bán bất động sản đồng loạt đăng tin về dự án này vừa được phê duyệt 1/500, giá chào bán dự kiến 230 triệu/m2. Đáng chú ý, khoản tài sản đảm bảo gắn liền với dự án này cũng đồng thời được chuyển từ Sacombank sang LienVietPostBank.
Ngày 23/9/2019, 15/1/2020, 17/6/2020, 23-26-29/6/2020 và 14/8/2020, các nội dung liên quan đến giao dịch đảm bảo của Công ty SDI được thay đổi. Theo đó, đơn vị nhận cầm cố dự án liên quan đến doanh nghiệp này được thay đổi sang LienVietPostBank.
|
|
Vị trí dự án KĐT Sài Gòn - Bình An. |
Thông tin này khiến giới đầu tư thắc mắc liệu giữa SDI - Sacombank và LienVietPostBank có mối quan hệ như thế nào? Vì sao sau nhiều năm “đắp chiếu” đến khi dự án được triển khai thì Sacombank lại có động thái “nhường ngôi”.