Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 23/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu mới (cả phát hành ra công chúng lẫn phát hành riêng lẻ) đạt gần 255.000 tỷ đồng, giảm gần 62% so với cùng kỳ. Trong đó, phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 61% (chiếm tỷ lệ 4% tổng giá trị phát hành), còn TPDN phát hành riêng lẻ giảm tới 63% (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tính từ đầu năm đến ngày 23/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Việc mua lại trước hạn tăng bất thường một phần do thị trường bất lợi, song đa phần là do làn sóng bán tháo trái phiếu của các trái chủ.

Đáng chú ý, ngoài nhóm bất động sản và nhóm tài chính thi nhau mua lại trái phiếu trước hạn thì loạt doanh nghiệp mảng năng lượng tái tạo cũng dồn dập mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian gần đây.

Chẳng hạn ngày 26/12, CTCP Năng Lượng Phan Lâm đã thực hiện mua lại 7,5 tỷ đồng của lô trái phiếu mã NLPLH2032001 được phát hành tháng 11/2020 và đáo hạn năm 2032 với tổng giá trị phát hành 592,6 tỷ đồng. Trước đó, tháng 9/2022 doanh nghiệp này cũng mua lại 7,5 tỷ đồng của lô trái phiếu này.

Ngày 16/12, CTCP Năng lượng Tái tạo Việt Nam Việt cũng đã mua lại 9 tỷ đồng trái phiếu mã VNVH2030001 với tổng giá trị phát hành 600 tỷ đồng. Lô trái phiếu được phát hành tháng 12/2020 và đáo hạn 12/2030. Trước đó, tháng 9/2022 doanh nghiệp mảng năng lượng tái tạo này cũng đã mua lại một phần lô trái phiếu.
leftcenterrightdel
 Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn tại CTCP Năng lượng Tái tạo Việt Nam Việt (nguồn: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX).

Ngày 30/12, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cũng đã mua lại 81 triệu đồng của 5 lô trái phiếu được phát hành năm 2019, 2020 và đáo hạn năm 2026, 2027 với tổng giá trị phát hành 700 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp mảng năng lượng tái tạo khác cũng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn như Cty TNHH Điện mặt trời Trường Lộc – Bình Thuận; CTCP Xây dựng và Năng Lượng VCP; CTCP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ, Tổng công ty Điện lực TKV; CTCP Thủy điện Nậm Pung – Intracom; Thủy điện Thuận Hòa Hà Giang; Xây dựng thủy điện Nậm Hồng;…

Ngoài ra, thời gian gần đây các doanh nghiệp khác cũng ghi nhận giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn lớn.

Đơn cử, hai đơn vị thuộc Tập đoàn Xuân Thiện là CTCP Xuân Thiện Thuận Bắc và CTCP Xuân Thiện Ninh Thuận lần lượt mua lại 1.005 tỷ đồng và 1.670 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của các lô trái phiếu có kỳ hạn từ 3 đến 10 năm được phát hành vào năm 2020.

CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng đã mua lại 399 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 15/11. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, được phát hành vào năm 2018 và 2019, tổng giá trị phát hành 4.000 tỷ đồng.

CTCP Phát triển Golf Thiên Đường chủ đầu tư dự án sân golf Paradise Hà Nam mua lại trước hạn 951 tỷ đồng của lô trái phiếu phát hành năm 2020. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm, mệnh giá là 10 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 2.681 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) thông báo mua lại toàn bộ 18 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 1.710 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 12/12. Hạn cuối để chủ sở hữu trái phiếu đăng ký bán lại là ngày 1/12.
leftcenterrightdel
 Nguồn: Internet.

Theo thống kê của VNDirect, trong quý IV/2022 toàn thị trường có khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ phải đáo hạn. Đến năm 2023 sẽ có hơn 107.000 tỷ đồng trái phiếu phải đáo hạn (tăng 56% so với cùng kỳ). Và đến năm 2024 cũng sẽ có hơn 112.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phải đáo hạn. Do lượng trái phiếu đáo hạn khá lớn nên trong năm 2023 áp lực trả nợ sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp phát hành.

Các chuyên gia tại VCBS nhận định, việc mua lại trước hạn các lô trái phiếu là động thái bình thường của thị trường do các doanh nghiệp chủ động cân đối nguồn lực và danh mục đầu tư. Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp công bố mua lại trước hạn các lô trái phiếu cũng khiến thị trường trái phiếu có sự xáo trộn.

Việc bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm các phương án phát hành, trong đó có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi các quy định mới.
Hoàng Long
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/doanh-nghiep-mang-nang-luong-tai-tao-dua-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-d154912.html