leftcenterrightdel
Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong một buổi hội thảo tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: N.B 

Theo đó, nếu như từ năm 2014, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) ghi nhận đánh giá tích cực và nhất quán trên 70%, đặc biệt năm 2018 và 2019 ở mức cao hơn 80% thì khi có đại dịch COVID-19, BCI giảm xuống mức thấp nhất từng ghi nhận (26%) vào quý 1-2020.

Tuy nhiên,  EuroCham cho rằng nguyên nhân là do COVID-19, không phản ánh sự phát triển của Việt Nam hay chính sách của Chính phủ và các doanh nghiệp thành viên vẫn đánh giá tích cực Việt Nam.

EuroCham đưa ra 6 khuyến nghị chính, điển hình như: trong thanh tra giá chuyển nhượng, cơ quan thuế cần áp dụng các phương pháp tiến bộ hơn. Vì sổ tay hướng dẫn về chuyển giá của Liên Hiệp Quốc và hướng dẫn về chuyển giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) đều cảnh báo ngăn chặn việc sử dụng công ty so sánh không công khai.

EuroCham cũng đề nghị, khi cân nhắc chi phí được khấu trừ trước khi áp thuế, cơ quan thuế cần hạn chế yêu cầu các tài liệu hỗ trợ theo biểu mẫu không thuộc quy định pháp luật.

EuroCham cũng cho rằng Việt Nam cần bổ sung hướng dẫn về phạm vi và cách áp dụng các quy định mới về thuế cho hoạt động thương mại điện tử, nhằm đảm bảo minh bạch thông tin các đối tượng liên quan.

Vấn đề sở hữu trí tuệ cũng được nhấn mạnh. Hiệp hội này kêu gọi Chính phủ tăng mức phạt hành chính, nộp phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo tính răn đe...

Cùng ngày, EuroCham và lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc đối thoại đặc biệt nhằm thảo luận về hợp tác và phát triển kinh tế trước khi Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1-8.

Ông Jean-Jacques Bouflet, phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, nhận định EVFTA "sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới", trong đó cải cách hành chính sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thu hút FDI từ châu Âu.

Ông Bob Fletcher, phó chủ tịch Tiểu ban vận tải và hậu cần EuroCham, nhận định mặc dù Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và tích cực điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song quá trình thực thi trên thực tế còn nhiều bất cập.

Như cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được thống nhất, nhiều cán bộ chưa hiểu rõ quy tắc xác định xuất xứ khiến doanh nghiệp không nhận được ưu đãi thuế.

Đáp lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong bối cảnh EVFTA sắp đi vào thực thi, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đã được dự báo rất khả quan. Vậy nên để biến cơ hội thành giá trị thực thì các rào cản về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ ngay.

Theo Nguyên Hạnh/TTO
Nguồn
Link bài gốc

https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-chau-au-gui-6-khuyen-nghi-toi-viet-nam-20200729093401356.htm