Gửi 1 tỷ đồng mỗi tháng nhận 500 triệu đồng tiền lãi, tương tự sau 3 năm sẽ nhận được 18 tỷ tiền lãi cùng tỷ tiền gốc... là những hứa hẹn của một ngân hàng điện tử tự xưng có tên là Etop Bank, được giới thiệu đến từ Singapore.

Tự xưng là ngân hàng điện tử nhưng theo danh sách các ngân hàng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, không có ngân hàng nào có tên Etop Bank.

Bất thường mô hình Etop Bank huy động lãi "khủng"

Để trở thành triệu phú Đô la, người chơi chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo có tên là USDT tại Etop Bank, với các gói từ 200 - 10.000 USD, theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm. Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi, từ 30% đến 50%/tháng, tương đương 600%/năm, cao gấp khoảng 100 lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng trong nước. Sau kỳ hạn gửi, người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc.

Ngoài ra, những người tham gia còn nhận được một khoản tiền đến từ việc mời chào những người tham gia mới. Mời được những người F1, người tham gia sẽ được nhận ngay 15% hoa hồng, tức nếu người tham gia mới bỏ ra 1 tỷ đồng, ngay lập tức môi giới sẽ được hưởng 150 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Số lãi "khủng" do Etop Bank vẽ ra.

Hoa hồng được xây dựng theo mô hình kim tự tháp, từ E0 đến E8 và người chơi sẽ nhận thêm 10% hoa hồng từ hệ thống, nghĩa là chỉ cần giới thiệu 10 người tham gia, người giới thiệu sẽ nhận được hàng tỷ đồng mỗi tháng tiền hoa hồng.

Dù mức lãi trên là khó tin, nhưng vì ham lợi, nên hàng nghìn người tại các tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên… đã đổ tiền tỷ vào dự án này. Mới đây, trong một buổi họp báo Chính phủ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng lên tiếng cảnh báo về các mô hình huy động vốn trả lãi cao xuất hiện thời gian qua.

"Có được lợi nhuận mấy chục % trong điều kiện dịch COVID-19 là rất khó trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước. Còn mấy trăm phần trăm thì chúng ta chưa cần biết tổ chức đó hoạt động như thế nào, nhưng mời chào với lãi suất như thế đã thấy bất hợp pháp và lừa đảo", ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước nhận định.

Nguy cơ mất tiền vì gửi tiền vào ngân hàng tự xưng Etop Bank

Sau một thời gian ngắn bỏ tiền vào Etop Bank ,những người tham gia đã không nhận được lãi và hoa hồng như cam kết ban đầu. Thậm chí, tiền đầu tư gốc cũng có nguy cơ mất trắng.

Sau gần 3 tháng hoạt động, hiện ngân hàng tự xưng Etop Bank đã không còn hoạt động.

"Tôi liên hệ với chị rủ tôi vào chơi. Tôi nhắn tin cho chị nhưng chị ấy không trả lời và gọi điện cũng không nghe máy. Ba ngày sau tôi thấy thông báo sàn đã sập", người tham gia gửi tiền vào Etop Bank cho biết.

leftcenterrightdel
 Hiện website của dự án Etop bank đã đóng.

Website bị đóng, những người đứng đầu đã lặn biệt tăm. Hiện khoản tiền 200 triệu đi vay nặng lãi gửi vào Etop Bank có nguy cơ mất trắng, nên suốt 3 tuần qua, người phụ nữ tham gia gửi tiền vào Etop Bank không dám trở về nhà, phải rời xa quê hương đến Thủ đô để làm thuê, làm mướn.

"Cầm nhà, cầm cửa. Về nhìn mọi người cũng thấy ngại, vì mình mang tiếng là người đàn bà phá hoại, không phải chồng phá nữa mà là vợ phá", người phụ nữ tham gia gửi tiền vào Etop Bank bày tỏ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có ít nhất khoảng 1.500 người đã gửi tiền vào cái gọi là ngân hàng tự xưng này. Trả lời phóng viên VTV, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương khẳng định, Etop Bank chưa được cấp phép hoạt động đa cấp tại Việt Nam. Còn theo các luật sư, với những rủi ro kể trên, cơ hội đòi lại được tiền của những người tham gia là rất nhỏ.

leftcenterrightdel
Không đòi lại được số tiền 200 triệu tham gia vào Etop Bank, cũng không dám trở về nhà, giờ đây, người phụ nữ này chỉ còn cách rời xa quê hương đến Thủ đô để làm thuê, làm mướn. 

Trao đổi với phóng viên VTV, Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an nhận định thời điểm cận Tết, các tội phạm hoạt động theo mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng sẽ có xu hướng gia tăng.

Để đấu tranh mạnh với loại tội phạm này, Bộ Công an đã và đang tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan mở đợt cao điểm, tập trung trấn áp. Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi tham gia vào các mô hình dự án chưa đầy đủ tính pháp lý, lãi suất cao bất thường, để tránh mắc vào các đường dây lừa đảo.
Theo VTV
Nguồn
Link bài gốc

https://vtv.vn/kinh-te/do-tien-vao-ngan-hang-tu-xung-etop-bank-lai-khung-hay-rui-ro-2020121423350108.htm