Điển hình nhất là mới đây, Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) đã thông báo tiến hành phát mại đất và tài sản gắn liền trị giá gần 1.100 tỷ đồng thuộc tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam.

Theo đó, các thửa đất được thanh lý có tổng diện tích hơn 30.000 m2, cùng công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II. Khối tài sản trên còn có quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Trong khi đó, Ngân hàng Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn cũng vừa tổ chức bán đấu giá 6 quyền sử dụng đất và công trình nhà cửa gắn liền trên đất tại địa chỉ 20 Trần Cao Vân (quận 1, TP.HCM) với giá khởi điểm gần 430 tỷ đồng Đây là tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới. Được biết trước đó, vào cuối tháng 12/2021, khối tài sản này đã được thông báo phát mại với mức giá khởi điểm tương tự.

Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên - Huế cũng đã phát đi thông báo phát mại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có diện tích hơn 1.100 m2 nằm tại đường Hùng Vương (TP. Huế), là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thanh Trang. Khối tài sản đảm bảo này được phát mại với giá khởi điểm hơn 99 tỷ đồng.

Không nằm ngoài “cuộc đua thanh lý nợ” Vietinbank chi nhánh KCN Bình Dương cũng vừa tổ chức đấu giá quyền sử dụng và tài sản gắn liền trên thửa đất rộng hơn 7.400 m2 tại đường Tân Kỳ Tân Quý (Bình Tân, TP.HCM) với giá khởi điểm là 230 tỷ đồng. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Lục Kim Quân.

Để thu hồi nợ, bên cạnh bất động sản các “ông lớn” nhà bang còn thông báo phát mại xe sang, tàu biển, máy móc thiết bị hay vốn cổ phần...

Đơn cử như ngày 14/02 mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank chi nhánh Bình Thạnh đã phát đi thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của công ty TNHH May Thiên Kim, có trụ sở ở Bà Rịa Vũng Tàu, bao gồm: 01 chiếc ô tô bán tải nhãn hiệu Madza, 02 chiếc xe xúc lật hiệu CAT 910, 01 chiếc xe nâng hiệu Kmassu 30, 03 hệ thống băng chuyền nghiền bột đá và 107 bao đá. Giá khởi điểm cho lô tài sản đảm bảo trên kèm theo 107 bao đá (đá 1,2 24 đá tạo màu) là 166 triệu đồng.

Trong khi đó Vietcombank chi nhánh TP.HCM đã tổ chức đấu giá 20% phần vốn góp của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE) với giá khởi điểm là hơn 340 tỷ đồng.

Hay Sacombank cũng vừa rao bán khoản nợ 596 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát, được bảo đảm bằng 40 triệu cổ phiếu CTCP Bất động sản Đô Thành (DTR).

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đang rao bán nhiều loại xe sang như BMW, Mercedes-Benz, Chevrolet, Hyundai, Toyota,... với giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Vietnamnet ghi nhận chỉ trong tháng 1/2022, Agribank đã đăng tải hơn 20 thông báo phát mại tài sản, BIDV đăng 16 tin, Vietcombank có 8 thông tin liên quan hoạt động trên...

Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, dù nhiều tài sản đã giảm giá vài trăm tỷ nhưng vẫn không có người mua.

Trao đổi về vấn đề này với Lao Động, chuyên gia kinh tế TS Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho biết, rao bán tài sản đảm bảo là một biện pháp mà các ngân hàng buộc phải làm trong thời điểm hiện nay, khi mà các ngân hàng cũng đang chịu nhiều sức ép. Đó là việc có thể phải đối diện với khoảng trống pháp lý và cả áp lực về tỉ lệ nợ xấu trong tương lai. Tuy nhiên do vướng mắc về các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp nên các ngân hàng thường rao bán tài sản là nợ xấu nhiều lần, dù đã giảm giá không ít, nhưng vẫn chưa bán được.

Để hạn chế tình trạng nợ xấu, vị chuyên gia này cũng cho rằng các ngân hàng cần siết chặt hơn nữa trong việc cho vay kinh doanh bất động sản cũng như thẩm định bất động sản làm tài sản thế chấp cũng cần chặt chẽ hơn.


Ngọc Hà (tổng hợp)
Nguồn Depaz.vn
Link bài gốc