|
|
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của VietinBank. |
Sáng nay (16/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Công thương Việt Nam - VietinBank (mã CTG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Kế hoạch lợi nhuận 16.800 tỷ đồng, 2 phương án chia cổ tức
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng từ 6% - 10%, dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, tăng trưởng tối đa 7,5%, nguồn huy động từ TCKT và dân cư tăng trưởng từ 8% - 12%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tín dụng theo Thông tư 02 thấp hơn 1,5%, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ dự kiến là 16.800 tỷ đồng (tăng nhẹ 2% so với kết quả đạt được năm 2020) và được điều chỉnh theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết thêm, hiện ngân hàng đang được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 7,5%, VietinBank sẽ chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đề xuất với Cơ quan Quản lý để có mức tăng trưởng phù hợp.
Về chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là 16.800 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng nhẹ 2% so với năm trước, Chủ tịch VietinBank cho biết, trước đó có đề xuất với Cơ quan Quản lý kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận từ 10-20%, tuy nhiên, để cân bằng với các mục tiêu khác, ngân hàng được giao kế hoạch lợi nhuận chỉ tăng nhẹ trong năm nay.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2021, ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, tính đến 31/3, tổng tài sản hợp nhất tăng 1,3%, cho vay tăng trưởng 1,2%, nguồn vốn huy động tăng 1,3%, ngân hàng đạt lợi nhuận từ 7.000- 8.000 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 150% so với 136% cuối năm 2020.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, lãnh đạo VietinBank cho biết, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2020 của ngân hàng là 13.256 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 8.480 tỷ đồng. HĐQT ngân hàng đưa ra 2 phương án. Phương án 1, tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank chưa hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019. Vốn điều lệ khi thực hiện chia cổ tức là 37.234 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu 17,7751%.
Phương án 2, tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank đã hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019. Vốn điều lệ chia cổ tức dự kiến là 48.058 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6456%.
HĐQT trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định mức tạm trích lập các quỹ năm 2021 từ nguồn lợi nhuận riêng lẻ năm 2020 và quyết định phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Vì sao siêu dự án VietinBank Tower chưa thể hoàn thành?
Liên quan đến phương án tái cơ cấu Dự án VietinBank Tower, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, trên cơ sở ý kiến của NHNN, ngày 8/12/2018, ĐHĐCĐ đã thông qua chủ trương về việc đến hết năm 2020 cơ cấu lại dự án theo một trong ba phương án, trong đó ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở. Trong quá trình tìm đối tác chuyển nhượng, VietinBank tiếp tục triển khai đầu tư Dự án, xử lý phù hợp những công việc phát sinh, thúc đẩy tiến độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank.
Chủ tịch VietinBank cho biết, ngân hàng đã thành lập, kiện toàn Ban Dự án, Ban chỉ đạo Dự án Hội đồng chuyển nhượng Dự án, Tổ công tác đặc biệt của HĐQT về Dự án với các nhân sự có kinh nghiệm, một số cán bộ chuyên trách để tham mưu cho HĐQT, Chủ đầu tư chỉ đạo việc thực hiện phương án tái cơ cầu Dự án cũng như duy trì thi công trên công trường.
Để thực hiện phương án tái cơ cấu Dự án, HĐQT đã phê duyệt nhiều NQ nhằm chỉ đạo việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lô đất TMOI của Dự án và thuê các đơn vị tư vấn để tư vấn cho VietinBank trong quá trình thực hiện phương án tái cơ cấu Dự án. Đồng thời, VietinBank cũng đã tổ chức mời các Nhà đầu tư tiềm năng để thẩm định Dự án nhằm đánh giá nhu cầu điều kiện của các Nhà đầu tư phục vụ việc xây dựng phương án, quy trình chuyển nhượng phù hợp với thực tế của Dự án, thông lệ thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thông tin tại đại hội, ông Thọ cho biết, tính đến hết quý 1/2021, có 29 nhà đầu tư quan tâm tới Dự án, trong đó có 21 Nhà đầu tư đã ký thoả thuận bảo mật thông tin với VietinBank để tiếp cận hồ sơ và thẩm định Dự án. Đã có 2 Nhà đầu tư có để xuất tài chính sơ bộ và có một số Nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh đang tích cực thẩm định để sớm đưa ra đề xuất tài chính.
“VietinBank đang xem xét, đánh giá các phương án tài chính để phục vụ việc xây dựng phương án chuyển nhượng và tái cơ cấu Dự án”, ông Thọ cho biết.
Nói về những lý do dẫn tới việc chưa đạt được mục tiêu tái cơ cấu Dự án đúng thời hạn, Chủ tịch VietinBank cho biết, nguyên nhân chính là năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hộ dẫn tới gián đoạn quá trình làm việc với các Nhà đầu tư; đồng thời dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức và nhu cầu sử dụng văn phòng làm việc, hoạt động thương mại, hội nghị, hội họp... dẫn tới sự điều chỉnh về chiến lược, phương thức và kế hoạch đầu tư của một số Nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực bất động sản văn phòng, trung tâm thương mại...
Vì vậy, VietinBank cần thêm thời gian để có thể hoàn thành được phương án tái cơ cấu Dự án. Ngoài ra, VietinBank cũng có kế hoạch sử dụng các phương án dự phòng trong một số trường hợp nhất định để để xuất ĐHĐC phê duyệt, đảm bảo sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng, đưa công trình của Dự án vào vận hành, khai thác và giảm thiểu tổn thất, thiệt hại có thể phát sinh trong trường hợp phương án chuyển nhượng không thực hiện được đúng thời hạn.
Trần Thuý