Theo tờ Bảo vệ Pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại CTCP phát triển điện lực Sài Gòn, CTCP M&C và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và gửi lên Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND).

Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị VKSND tối cao truy tố bị can Tạ Bá Long (SN 1955, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank); Phạm Quyết Thắng (SN 1973, nguyên TGĐ GPBank) cùng 8 lãnh đạo, nhân viên GPBank khác vì tội "Vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Các bị can bị đề nghị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm  Phùng Ngọc Khánh (SN 1963, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Sài Gòn One Tower, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP M&C); Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1977, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Điện lực Sài Gòn); Kim Văn Bộ (SN 1973, nguyên Phó GĐ CTCP Phát triển Điện lực Sài Gòn).

leftcenterrightdel
Các bị can từng làm lãnh đạo tại GPBank. (Nguồn: An ninh Thủ đô). 

Theo kết luận điều tra, Công ty Sài Gòn One được thành lập để thực hiện Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C. Nhằm sử dụng các căn hộ tại dự án để huy động, vay vốn trái phép các tổ chức, cá nhân nên ông Phùng Ngọc Khánh đã kí hợp đồng phân chia sản phẩm sàn căn hộ hình thành từ dự án và chuyển giao quyền chuyển nhượng/ bán sản phẩm sàn căn hộ của Công ty Sài Gòn One cho Công ty M&C.

Khoảng tháng 8/2011, ông Phùng Ngọc Khánh biết do ông Nguyễn Trọng Hiếu có nhiều mối quan hệ với các tổ chức tín dụng nên đã gặp và nhờ ông Hiếu sử dụng các căn hộ tại Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C để thế chấp vay vốn ngân hàng 300 tỉ đồng và hứa chi cho Khánh 15% đến 20% giá trị khoản vay.

Sau đó, ông Hiếu đã gặp lãnh đạo GPBank là Tạ Bá Long, Phạm Quyết Thắng đề nghị cho Công ty M&C vay 300 tỉ đồng. Tại các cuộc gặp gỡ, bị can Long và Thắng đồng ý cho vay tiền, kèm điều kiện phải chi 10% trên tổng số tiền được vay (ngoài tiền trả gốc, lãi) cho lãnh đạo GPBank.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hồ sơ, lãnh đạo GPBank nhận thấy Dự án cao ốc Sài Gòn M&C đã thế chấp và vay vốn tại nhiều ngân hàng khác. Vì vậy, ông Hiếu và ông Khánh đã gặp lại lãnh đạo của GPBank đề nghị phương án khác: Công ty M&C sẽ làm thủ tục bán 6 căn hộ của Dự án cao ốc Sài Gòn M&C cho Công ty Điện lực Sài Gòn, sau đó Công ty Điện lực Sài Gòn sẽ làm hồ sơ vay vốn GPBank để thanh toán mua các căn hộ của Công ty M&C.

Để hợp thức hồ sơ vay vốn và đảm bảo Công ty Điện lực Sài Gòn có đủ năng lực tài chính, ông Phùng Ngọc Khánh và ông Kim Văn Bộ kí vi bằng xác nhận “khống” việc Công ty Điện lực Sài Gòn đã thanh toán lần 1 với số tiền 125 tỉ đồng cho Công ty M&C để mua 6 căn hộ trên (tương đương 30%).

Sau đó, GPBank chi nhánh TP HCM đã giải ngân cho Công ty Điện lực Sài Gòn số tiền vay là 305 tỉ đồng.

Nhận được tiền, ông Kim Văn Bộ đã kí hai ủy nhiệm chi chuyển toàn bộ số tiền 305 tỉ động đến tài khoản của Công ty M&C. Số tiền này ông Phùng Ngọc Khánh đã không chuyển thanh toán cho Công ty Sài Gòn One mà sử dụng vào các mục đích khác nhau của mình. Trong đó, ông Khánh có chi trả 30 tỉ đồng cho nhóm lãnh đạo GPBank.

Sau khi GPBank giải ngân cho Công ty Điện lực Sài Gòn, GPBank đã không kiểm tra định kì sau cho vay theo qui định, không kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Điện lực Sài Gòn, dẫn đến không thu hồi được khoản tiền cho vay.

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, ngày 31/5/2015, CTCP Thẩm định giá IVC Việt Nam đã phát hành Chứng thư thẩm định giá về tài sản cố định và tài sản bảo đảm tại GPBank, tất cả có giá trị 0 đồng.

GPBank xác định số tiền thiệt hại tính đến ngày 25/8/2020 là 961 tỉ đồng, trong đó số nợ gốc là 305 tỉ đồng.

 

Theo Kinh tế & tiêu dùng
Nguồn
Link bài gốc

https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/de-nghi-truy-to-cuu-chu-tich-va-tgd-gpbank-do-gay-thiet-hai-gan-1000-ti-dong-cho-ngan-hang-20200904085254475.htm