Mới đây, Công đoàn Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) đã đăng ký bán ra 127.000 cổ phiếu đang sở hữu.
Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 18/6 đến 15/7, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu hoàn tất giao dịch, số cổ phần BVH của Công đoàn Tập đoàn Bảo Việt nắm giữ sẽ giảm xuống còn 178.761 đơn vị, tương đương 0,024% vốn điều lệ của tập đoàn.
Việc bán cổ phiếu diễn ra ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Bảo Việt hơn 1 tuần. Theo như kế hoạch, Bảo Việt dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 29/6.
Động thái bán ra 127.000 cổ phiếu BVH diễn ra trong lúc cổ phiếu BVH đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, giá cổ phiếu BVH dừng ở mức 60.300 đồng/cp, tăng 14% so với gần một tháng trước nhưng vẫn giảm 14% so với thời điểm đầu năm 2021 (ngày 14/1). Tạm tính với mức giá 60.300 đồng/cổ phiếu. Công đoàn Tập đoàn Bảo Việt ước thu về gần 7,7 tỷ đồng sau giao dịch.
Mục đích việc bán 127.000 cổ phiếu nhằm cân đối tài chính. Vậy tình hình tài chính tại tập đoàn Bảo Việt hiện ra sao?
Cân đối tài chính là sự cân đối giữa tài sản và nguồn hình thành tài sản (nguồn vốn) của doanh nghiệp. Phản ánh mức độ an toàn hay ổn định của nguồn tài trợ tài sản của doanh nghiệp.
Về mặt tổng thể, để cân bằng tài chính luôn nằm trong tình trạng “cân bằng tốt” hay “cân bằng dương”, doanh nghiệp luôn bảo đảm khả năng thanh toán – đặc biệt là khả năng thanh toán ngắn hạn (khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán tức thời), tài sản dài hạn phải được tài trợ bằng ngồn vốn dài hạn chứ không phải tài trợ bằng nguồn vốn ngắn hạn.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, tài sản dài hạn tại BVH chỉ ở mức 50.606 tỷ đồng trong khi nợ dài hạn lại lớn hơn, ghi nhận 110.612 tỷ đồng. Đồng thời, hệ số khả năng thanh toán tức thời tại BVH ở mức 0,29 lần phần nào cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn về khả năng thanh toán tức thời trong khoảng thời gian 3 tháng.
Thực tế, phần tài sản dài hạn nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Hiện tượng này vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn.
Đáng lưu ý, trong quý đầu năm 2021, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính tại tập đoàn Bảo Việt âm hơn 5.195 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 đạt 1.438 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề nợ tài BVH, tính đến 31/3/2021, nợ phải trả ở mức 125.336 tỷ đồng, chiếm tới 85% tổng tài sản của doanh nghiệp. Vay ngắn hạn tại BVH tăng 22% so với đầu năm, lên mức gần 1.095 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại BVH.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2021, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại BVH lỗ gộp gần 169 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 lỗ hơn 155 tỷ đồng).
Đây là quý thứ 4 liên tiếp BVH ghi nhận lỗ gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, trong quý 1/2021 BVH là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất có lỗ gộp kinh doanh bảo hiểm.