CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (MCK: VPG, sàn HoSE) khởi đầu từ một công ty dịch vụ vận tải chuyên vận tải nội địa được thành lập từ năm 2008. VPG nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển mạnh về sản xuất kinh doanh các nguyên liệu khoáng sản và dịch vụ vận tải nội địa tại Việt Nam.
Cập nhật tại ngày 30/6/2022, công ty này có số vốn điều lệ 802 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Bình và bà Lê Thị Thanh Lệ nắm giữ 29,07%.
|
|
Từ một công ty dịch vụ vận tải, Việt Phát của Chủ tịch Nguyễn Văn Bình đang dần lấn sân sang mảng bất động sản. Ảnh minh họa |
Hoạt động chính của VPG là kinh doanh, xuất nhập khẩu và cung cấp quặng sắt và than cho các nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện, cùng với một số dịch vụ như vận tải, kho bãi,… Đây là nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu của nhiều nhà máy thép lớn như Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên, DONGBU, SAMINA,… và là đối tác cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN và PVN. Công ty cũng đã mở rộng thị trường nhập khẩu than cốc, quặng sang Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore với một số đối tác như: Công ty Daichu Corporation, Công ty Glencore International AG, Công ty Noble Resources International PTE LTD...
Ở một thương vụ đáng chú ý, trong năm 2022, liên danh VPG – Danka Minerals – SUEK AG đã được lựa chọn thực hiện gói thầu Cung cấp nhiên liệu than cho quá trình vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 năm 2022 với giá trúng thầu đạt 11.965,3 tỷ đồng, giảm khoảng 2.670 tỷ đồng so với giá gói thầu, thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Bên cạnh đó, vào ngày 25/5/2022, HĐQT VPG cũng đã thông qua hợp đồng hợp tác với CTCP Thương mại và Đầu tư Công nghệ ECOTECH Việt Nam để đầu tư dự án khu đô thị 1.500 tỷ đồng tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. VPG sẽ góp 585 tỷ đồng, thời gian góp vốn dự kiến từ năm 2022 đến 2024. Tính đến quý 3/2022, VPG đã góp 300 tỷ đồng.
Đối với mảng bất động sản công nghiệp, tại Hải Phòng, ngoài KCN Tiên Thanh, VPG đang đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cảng thủy nội địa đến UBND để triển khai Dự án đầu tư xây dựng khu cảng thủy nội địa và bến bãi hậu cần tại đất bãi sông thuộc quy hoạch Cụm công nghiệp Đò Nống tại xã Lê Thiện, huyện An Dương. Dự án có diện tích 46,8 ha với tổng mức đầu tư dự kiến 660 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty này dự kiến đầu tư 419 tỷ đồng để thực hiện Dự án Cảng thủy nội địa Việt Phát tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, với tổng quy mô vào khoảng 9,75 ha. Dự án được xây dựng nhằm mục đích trở thành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, đồng thời là điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.
VPG được biết đến như doanh nghiệp của gia đình vợ chồng Chủ tịch Nguyễn Văn Bình – Lê Thị Thanh Lệ.
Hồi tháng 6 vừa qua, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh cho CTCP Đầu tư khu công nghiệp Tiên Thanh. Với tổng vốn đầu tư là 4.597 tỷ đồng, quy mô 410ha, đây là 1 trong số 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 6.200ha được Hải Phòng quy hoạch, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Cần phải biết rằng, KCN Tiên Thanh có mối liên hệ mật thiết với VPG và gia đình ông Nguyễn Văn Bình. Cổ đông của công ty này bao gồm: CTCP Xây dựng Bất động sản Việt Phát (viết tắt: Việt Phát Land; góp 650 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ); bà Nguyễn Thị Ngọc (góp 300 tỷ đồng, chiếm 30% VĐL); và ông Nguyễn Xuân Trường (góp 50 tỷ đồng; chiếm 5% VĐL). Vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của KCN Tiên Thanh do ông Nguyễn Khôi đảm nhiệm, ông Khôi là thành viên độc lập HĐQT và là Chủ tịch UBKT của VPG.
Về Việt Phát Land, công ty này do vợ chồng Nguyễn Văn Bình nắm giữ 50% vốn; ông Nguyễn Văn Đức (Thành viên HĐQT của VPG) nắm giữ 10%; ông Nguyễn Xuân Trường (Thành viên HĐQT của VPG) nắm giữ 15%; VPG nắm giữ 15% vốn với giá trị 102,75 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, VPG đã đầu tư 147,75 tỷ đồng vào Việt Phát Land với tỷ lệ sở hữu và quyền biểu quyết là 7,44%.
Trong năm 2021, VPG phát sinh giao dịch với vợ chồng ông Bình thông qua việc chi 38,5 tỷ đồng để mua lại bất động sản tại lô số 123 BT02 Chung cư số 97 đường Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng.
Còn năm 2022, VPG chi ra 450 tỷ đồng để mua lại một phần biệt thự số 2 Trần Hưng Đạo, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm của bà Nguyễn Thị Bích Hạnh với tổng diện tích đất 390m2. Trong đó, VPG chi ra 220 tỷ đồng, phần còn lại 230 tỷ đồng vay của ngân hàng.
Ngoài ra, VPG còn lên kế hoạch đấu giá 2,48ha đất tại quận Bắc Từ Liêm để thực hiện dự án Khu nhà ở Việt Phát tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng.
Mới đây nhất (ngày 17/11/2022), công ty con của VPG là CTCP đầu tư xây dựng Newland đã trúng đấu giá gần 10.000m2 đất tại số 80 Hạ Lý, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng với giá 323,530 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính quý 3/2022 của VPG, tổng tài sản công ty đạt 4.539 tỷ đồng, song nợ phải trả đang ở mức 2.996 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nợ ngắn hạn 2.770 tỷ đồng. Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 1.543 tỷ đồng, khiến chỉ số D/E của VPG ở mức 1,94 (Chỉ số D/E > 1 tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là các khoản nợ vay vốn bên ngoài tài trợ).
Việc đầu tư dàn trải vào nhiều dự án khiến VPG “khát vốn”. Bởi vậy công ty này đã quyết định bán toàn bộ cổ phần CTCP đầu tư Sài Gòn MIA để bổ sung vốn lưu động.