Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) báo lãi trước và sau thuế quý 2/2021 giảm 14% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 4.938 tỷ đồng và gần 3.960 tỷ đồng.

Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' hơn 13.000 tỷ đồng của Vietcombank - Ảnh 1

Trong đó, hoạt động chính đem về cho Vietcombank gần 11.088 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 37% so với cùng kỳ. Đồng thời, một số nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng so với cùng kỳ như lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 20% đạt hơn 986 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng 26% đạt hơn 359 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 63%, còn hơn 428 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 72%, còn hơn 9 tỷ đồng.

Kỳ này, Vietcombank tăng đến 74% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích lập hơn 3.225 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng 52% lên mức 4.731 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế tại Vietcombank tăng 24% so với cùng kỳ, thu về gần 13.570 tỷ đồng và hơn 10.858 tỷ đồng lãi sau thuế ngân hàng mẹ.

Trong 6 tháng qua, chi phí hoạt động tại Vietcombank tăng 18% lên 9.510 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng trích hơn 5.500 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, tăng 37% so với cùng kỳ.

Vietcombank cho biết thu nhập từ lãi tiền gửi và lãi từ chứng khoán đầu tư giảm chủ yếu do lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm do tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào trong khi tình hình dịch Covid-19 trở lại căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Đồng thời, trong thời gian qua một số khoản trái phiếu tổ chức tín dụng của Vietcombank đáo hạn nhưng chưa được đầu tư thay thế hoặc được đầu tư thay thế bằng trái phiếu có mức lãi suất thấp hơn.

Như vậy, nếu so với kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất gần 25.686 tỷ đồng được đề ra, Vietcombank đã thực hiện được gần 53% chỉ tiêu sau 2 quý đầu năm.

Về tình hình tài chính tại Vietcombank, tính đến cuối quý 2, tổng tài sản giảm nhẹ 2%, còn hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Giảm chủ yếu do tiền gửi tại Ngân hàng nhà nước (NHNN) giảm 30%, còn 23.485 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác giảm 20%, còn 163.577 tỷ đồng; cho vay TCTD khác cũng giảm 65% còn 22.291 tỷ đồng. Ngược lại, cho vay khách hàng tại Vietcombank tăng 10% so với đầu năm, lên mức 921.948 tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, số dư tiền gửi khách hàng tại Vietcombank tăng nhẹ 1,9% đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, tiền vay TCTD khác tăng 32% (3,517 tỷ đồng). Tuy nhiên, tiền gửi của các TCTD khác giảm 20% ghi nhận 80.671 tỷ đồng so với đầu năm.

Như vậy, trong 6 tháng qua, lượng tiền cho vay ra tại Vietcombank tăng mạnh hơn số dư tiền gửi huy động. Điều này tác động lớn tới dòng tiền tại ngân hàng này. Vì vậy, tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng tại Vietcombank từ mức 80% hồi đầu năm lên mức 88%. 

Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' hơn 13.000 tỷ đồng của Vietcombank - Ảnh 2
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021.

Thực tế, mỗi một ngân hàng đều phải có sự cân nhắc tính toán kĩ lưỡng cân đối nguồn vốn đầu vào và đầu ra sao cho lợi nhuận biên (chênh lêch lãi đầu vào và đầu ra) tốt nhất. Nếu huy động quá nhiều trong khi cho vay ra thấp, tiền nằm trong ngân hàng sẽ không sinh lời mà chỉ làm tăng chi phí. Trong khi đó, nếu cho vay ra quá cao sẽ tạo ra nguy cơ rủi ro về thanh khoản.

Những ngân hàng có tỉ lệ thấp sẽ có dư địa tăng trưởng cho vay tốt hơn trong tương lai khi nhu cầu tín dụng phát sinh, nhất là trong bối cảnh NHNN đã thực hiện điều chỉnh qui định về tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của tất cả ngân hàng về mức 85%.

Đáng chú ý, dù đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm nhưng tổng nợ xấu của Vietcombank tại ngày 30/06/2021 vẫn tăng 31% so với đầu năm, chiếm gần 6.865 tỷ đồng.

Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tăng cao nhất là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 3,4 lần lên mức hơn 757 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 37% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng tăng 20% lên mức gần 5.190 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,62% lên 0,74%.

Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' hơn 13.000 tỷ đồng của Vietcombank - Ảnh 3

Trong khi nợ xấu tăng 31%, nợ cần chú ý tại Vietcombank (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) bất ngờ tăng vọt 102% so với đầu năm, ghi nhận hơn 5.630 tỷ đồng.

Nợ cần chú ý dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng. Hơn nữa, khi nợ nhảy sang nhóm 2, ngân hàng sẽ không được hạch toán khoản lãi dự thu vào thu nhập kèm theo tín dụng tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng.

Lãi đậm trong nửa đầu năm, nhưng dòng tiền vào ra lại cho thấy Vietcombank đã bị hao hụt những khoản tiền không nhỏ. 

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại Vietcombank âm gần 79.281 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 âm 61.099 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 344 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 96 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động tài chính âm hơn 747,6 tỷ đồng. Do đó, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm gần 80.373 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 chỉ âm 61.751 tỷ đồng).

Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' hơn 13.000 tỷ đồng của Vietcombank - Ảnh 4
Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' hơn 13.000 tỷ đồng của Vietcombank - Ảnh 5
Hoạt động quản lý dòng tiền tại Vietcombank (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021).
Hoạt động quản lý dòng tiền tại Vietcombank (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021).

Nguyên nhân lớn khiến dòng tiền tại Vietcombank âm là do Kho bạc Nhà nước đã rút mạnh tiền gửi tại ngân hàng này (hơn 35.000 tỷ đồng). Hơn nữa, trong khi tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank chỉ tăng khoảng 19.000 tỷ đồng thì cho vay khách hàng đã tăng tới hơn 77.000 tỷ đồng.

 

Hoàng Long

 

 


Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/dang-sau-khoi-loi-nhuan-khung-hon-13000-ty-dong-cua-vietcombank-d106223.html