Công ty cổ phần Kosy (Kosy, mã chứng khoán: KOS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý sụt giảm 30%, xuống còn 323 tỷ đồng. Mặc dù giá vốn hàng bán ghi nhận tiết giảm song lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ ghi nhận 24,5 tỷ đồng; sụt giảm 50% so với cùng kỳ.

Giải trình về kết quả kém khả quan trong quý II/2023, Kosy cho biết trong kỳ hoạt động kinh doanh thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh điện bị sụt giảm.

Trong quý II/2023, Kosy ghi nhận khoản lãi 39,5 tỷ đồng từ chuyển nhượng các khoản đầu tư, giúp doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng đột biến gần gấp 7 lần so với cùng kỳ, lên mức 41,9 tỷ đồng.

Chi phí tài chính trong kỳ tăng 80%, lên mức 47,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm mạnh, chỉ còn 119,4 triệu đồng; trong khi cùng kỳ hạng mục này là 1,6 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24,3%, xuống 8,7 tỷ đồng.

Sau cùng, Kosy báo lãi sau thuế quý II/2023 ở mức 5,8 tỷ đồng; giảm 59% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận 10,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm 37% và mới chỉ hoàn thành chưa được 1/10 kế hoạch lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Kosy đạt mức 4.780 tỷ đồng, giảm 1,1% so với số đầu kỳ. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 2.484 tỷ đồng, giảm 66 tỷ đồng.
leftcenterrightdel
 Phối cảnh dự án Kosy Sông Công (Thái Nguyên). Ảnh: Tập đoàn Kosy.

Kosy cũng ghi nhận 2.438 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, tăng 6,5% so với đầu năm. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án như Kosy Sông Công (112,3 tỷ đồng); Kosy Lào Cai (425,8 tỷ đồng); Kosy Cầu Gồ (12 tỷ đồng); Kosy Gia Sàng (69,1 tỷ đồng); Kosy Bắc Giang (369,7 tỷ đồng); Kosy Hà Nam (719,7 tỷ đồng);…

Được thành lập từ năm 2008, chặng đường phát triển của CTCP Kosy gắn liền với doanh nhân Nguyễn Việt Cường (Chủ tịch HĐQT) và vợ ông – bà Nguyễn Thị Hằng (Phó Chủ tịch HĐQT). Theo giới thiệu, hệ sinh thái “họ” Kosy gồm CTCP Xây dựng KSCONS, CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Thủy điện, CTCP Điện Mường Tùng, CTCP Điện gió Kosy Bạc Liêu, CTCP Thủy điện HPL, CTCP Đầu tư Leo Regulus,…

Cũng cần nhắc đến cơ cấu cổ đông khá “thú vị” tại Kosy. Là một doanh nghiệp đã niêm yết, song theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023, cá nhân ông Nguyễn Việt Cường cùng gia đình và công ty con đang nắm tới hơn 63% vốn điều lệ.

Từ đầu năm 2023, HĐQT Kosy đã thông qua hai nghị quyết sử dụng tài sản để đảm bảo cho các khoản vay. Trong năm 2022, doanh nghiệp của ông Nguyễn Việt Cường cũng nhiều lần sử dụng các dự án bất động sản làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Cục Đăng ký giao dịch đảo bảm, cuối tháng 9/2022, Kosy đã sử dụng “Các khoản hoa lợi, lợi tức, khoản phải thu, khoản phí thu được từ việc đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý, phát triển dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình và cơ sở hạ tầng, tài sản khác gắn liền với đất của 15 Lô đất thuộc Dự án kinh doanh bất động sản: Khu đô thị mới, Tiểu khu đô thị số 17, Khu đô thị mới Lào Cai-Cam Đường, thành phố Lào Cai" có địa chỉ tại Tiểu khu đô thị số 17, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai” làm tài sản đảm bảo cho giao dịch tín dụng tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt.

Trước đó, vào tháng 6/2022, Kosy cũng đã sử dụng “Các khoản lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị Quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng trên đất của dự án Khu nhà ở đô thị Kosy Hà Nam tại Phường Duy Hải, Thị xã Duyên Tiên, tỉnh Hà Nam” làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng Agribank.
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ctcp-kosy-kos-loi-nhuan-quy-ii-2023-sut-giam-a585229.html