Chỉ sau 9 tháng đầu năm 2021 đã có 6 ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 3 ngân hàng. Ngoài ra, so với cùng kỳ năm ngoái, thứ hạng năm nay có một số thay đổi.
Lợi nhuận Vietcombank đạt 19.311 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ và duy trì vị trí "quán quân" lợi nhuận. Trong khi đó, "á quân" Techcombank có lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 ở mức 17.098 tỷ đồng.
3 ngân hàng tiếp theo có mặt trong Top 5 vẫn là những cái tên quen thuộc VietinBank, MBBank, VPBank với lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 13.911 tỷ đồng, 11.885 tỷ đồng và 11.736 tỷ đồng.
5 ngân hàng còn lại trong Top 10 ngân hàng cổ phần lãi cao nhất gồm BIDV (10.733 tỷ đồng), ACB (8.968 tỷ đồng), MSB (7.556 tỷ đồng); HDBank (6.085 tỷ đồng), VIB (5.339 tỷ).
Đặc biệt, MSB bất ngờ tăng trưởng rất cao và lọt vào TOP 10, lợi nhuận ngân hàng này đạt 7.556 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng vọt 354% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, TPBank rời khỏi Top 10, đứng thứ 12 với hơn 4.394 tỷ đồng (tăng 45%). Trước TPBank là SHB với 5.055 tỷ đổng (tăng 94%).
Vị trí thứ 13 là OCB với 3.768 tỷ đồng (tăng 50%), tiếp đến là Sacombank với 3.249 tỷ đồng (tăng 40%). LienVietPostbank ở vị trí thứ 15 với 2.802 tỷ đồng (tăng 61%).
Trong nhóm các ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận, chỉ có 5 ngân hàng ghi nhận giảm đáng kể số lãi dự thu. Cụ thể, tính đến 30/9/2021, lãi dự thu tại Vietcombank giảm nhẹ 3% so với đầu năm, xuống còn 7.020 tỷ đồng; ACB giảm 29% xuống còn 2.591 tỷ đồng; VPBank giảm 8% xuống còn 4.636 tỷ đồng; OCB giảm nhẹ 1% xòn 1.506 tỷ đồng và Sacombank giảm 24% xuống còn 13.226 tỷ đồng.
Ngược lại, ngân hàng SHB có mức tăng lãi dự thu mạnh nhất lên 77% so với đầu năm, lên mức 13.367 tỷ đồng. Con số lãi dự thu còn lớn hơn cả lợi nhuận tại SHB (5.055 tỷ đồng).
Một ngân hàng khác cũng tăng mạnh lãi dự thu là MB. Tính đến 30/9/2021, lãi dự thu tăng 26% lên hơn 4.750 tỷ đồng. Lãi dự thu tại Techcombank cũng bất ngờ tăng 20% lên gần 6.224 tỷ đồng.
Ngoài SHB, MBBank hay Techcombank, lãi dự thu tại TPBank cũng tăng 25% lên hơn 2.098 tỷ đồng.
Đáng nói, đây mới chỉ là con số tuyệt đối. Nếu lấy tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản để làm tham chiếu, ngân hàng SHB đứng đầu nhóm với mức 2,9%, Sacombank ở mức 2,7% tiếp đến là Techcombank ở mức 1,1%. Các nhà băng còn lại trong top 15 về lợi nhuận có tỷ lệ này dưới 1%.
Lãi dự thu làm 'méo mó' lợi nhuận ngân hàng?
Theo nguyên tắc kế toán, lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi, bao gồm cho vay khách hàng. Ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, tuy nhiên khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận.
Trước đó, trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nêu quan điểm thận trọng về vấn đề này. Theo đó, lãi dự thu cao có thể bóp méo lợi nhuận.
"Một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao có thể làm lợi nhuận của họ bị sai lệch, đồng thời tăng rủi ro tiềm ẩn nếu ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Các ngân hàng buộc phải ghi giảm doanh thu nếu không thu được lãi trong cùng kỳ kế toán hoặc sẽ phải ghi tăng chi phí nếu nó xảy ra ở khác kỳ kế toán", chuyên gia của YSVN nêu ý kiến.
Theo chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này, trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm ngân hàng sụt giảm lợi nhuận. Do đó, các nhà đầu tư nên chú ý đến chỉ số này như một thước đo chất lượng thu nhập của các ngân hàng. YSVN lưu ý các ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản từ 1,5%.