|
|
Một điểm giao dịch của ACB. (Ảnh: Quang Hưng) |
21/24 mã ngân hàng tăng giá
Tuần giao dịch đầu tiên năm của Tân Sửu chứng kiến xu hướng tăng giá chiếm giá áp đảo tại nhóm cổ phiếu ngân hàng với 21/24 mã.
Tính chung ba ngày giao dịch vừa qua, ACB là mã tăng mạnh nhất ngành ngân hàng (+8,9%) với hai phiên tăng và một phiên giảm giá.
Riêng ngày 19/2, thị giá ACB tăng 6,7%, lên mức 31.100 đồng và chính thức thiết lập đỉnh mới. Đồng thời, thanh khoản ACB cũng đạt cũng kỷ lục với hơn 31 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công, tương đương gần 960 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này được giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ACB, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá tốt như MBB (+8,5%), BID (+8,1%), BVB (+7,6%), TCB (+7,5%),...
Ngược lại, NVB của Ngân hàng Quốc dân là mã ngân hàng duy nhất giảm giá trong tuần qua. Hai mã đứng giá gồm có SGB và LPB.
Xu hướng tăng giá của hầu hết cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tích cực.
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm mới Tân Sửu, VN-Index tăng 58,57 điểm (+5,25%) lên 1.173,5 điểm. Khối lượng giao dịch trên HOSE tăng 42,5% đạt 1.745 triệu cổ phiếu, tương đương 43.305 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 6,28 điểm (+2,79%), lên 231,18 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 66,9% lên 5.431 tỷ đồng, khối lượng tăng 52,8% lên 310 triệu cổ phiếu.
|
|
Biến động giá 24 mã ngân hàng trong tuần 17/2 - 19/2. (Nguồn: QT tổng hợp) |
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 70.400 tỷ đồng
Đóng cửa tuần qua, giá trị vốn hóa của 24 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở hơn 1,381 triệu tỷ đồng, tăng hơn 70.400 tỷ so với mức chốt năm Canh Tý (9/2), tương ứng tăng 5,4%.
Trong đó, vốn hóa Vietcombank, BIDV và VietinBank tăng lần lượt 15.206 tỷ đồng, 13.273 tỷ đồng và 5.957 tỷ đồng.
Bên khối tư nhân, vốn hóa của một loạt ngân hàng cũng tăng mạnh trong ba ngày giao dịch vừa qua như Techcombank (+9.463 tỷ đồng), MB (+5.824 tỷ đồng), ACB (+5.512 tỷ đồng), VPBank (+5.166 tỷ đồng),...
Chốt ngày 19/2, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng đứng đầu về giá trị thị trường với 375.709 tỷ đồng, bỏ xa BIDV (177.371 tỷ đồng) và VietinBank (137.776 tỷ đồng).
Ngược lại, VietBank, PG Bank và Viet Capital Bank có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 5.028 tỷ đồng, 4.140 tỷ đồng và 4.059 tỷ đồng.
MBB dẫn đầu thanh khoản
Tuần qua có tổng cộng hơn 458,7 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 11.940 tỷ đồng.
MBB sở hữu thanh khoản lớn nhất ngành ngân hàng với khối lượng giao dịch đạt gần 72,1 triệu đơn vị. Trong đó, hơn 71,8 cổ phiếu (tương đương 99,7%) được trao tay theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Thanh khoản MBB tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh MB mới đây thông báo kế hoạch chuyển đổi chi nhánh Campuchia thành ngân hàng con và bán 36% - 49% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Được biết, MB Campuchia hiện có vốn điều lệ khoảng 100 triệu USD.
Ngoài MBB thì STB, SHB và TCB cũng sở hữu khối lượng giao dịch ở mức cao, lần lượt đạt 66,3 triệu, 60,2 triệu và 51,9 triệu đơn vị.
Về giá trị giao dịch, TCB tiếp tục dẫn dầu toàn ngành với gần 1.990 tỷ đồng. Đứng kế sau, lần lượt là MBB (1.883 tỷ đồng), ACB (1.321 tỷ đồng), STB (1.234 tỷ đồng) và CTG (1.225 tỷ đồng).
|
|
Khối lượng giao dịch 24 mã ngân hàng trong tuần giao dịch 17/2 - 19/2. (Nguồn: QT tổng hợp) |
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 446,9 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị đạt 11.592 tỷ đồng (chiếm 97,4% về khối lượng và 97,1% về giá trị).
Gần 11,8 triệu cổ phiếu còn lại được trao tay theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt hơn 347 tỷ đồng.
Trong đó, VPB sở hữu khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với gần 2,3 triệu đơn vị, chiếm 11,4% tổng số cổ phiếu VPBank được mua bán trong tuần.
Ngoài VPB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "nhộn nhịp" tại nhiều mã ngân hàng khác như TCB (gần 2,2 triệu cp), EIB (hơn 2,1 triệu cp), LPB (2 triệu cp), CTG (hơn 1,3 triệu cp);...
|
|
(Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp) |