leftcenterrightdel
 

Cách đây 1 năm, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 thứ 17 sau 22 ngày không có ca bệnh mới. Thông tin được phát ra vào tối muộn thứ 6 (6/3/2020) khiến không ít nhà đầu tư chứng khoán "rùng mình" dự cảm về những điều không lành sẽ diễn ra sắp tới.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần mới (9/3/2020), nỗi lo sợ Covid bao trùm toàn thị trường khiến áp lực bán tăng mạnh ngay từ những phút mở cửa. Nhà đầu tư muốn "thoát hàng" bằng mọi giá, hàng loạt cổ phiếu rơi vào trạng thái "trắng bên mua", bất kể Bluechips hay penny, kết quả kinh doanh tốt, xấu. Chốt phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm gần 56 điểm (-6,28%) và được ghi nhận là mức giảm kỷ lục trong suốt 20 năm thành lập thị trường chứng khoán.

leftcenterrightdel
 Cổ phiếu giảm sàn "trắng bên mua"

Những tưởng với phiên giảm điểm mạnh như vậy, thị trường sẽ sớm tạo ra vùng cân bằng và ổn định trở lại, nhưng trên thực tế, phiên giao dịch 9/3/2020 chỉ là mở màn cho chuỗi những phiên "kinh hoàng" sau đó.

Trong khoảng 3 tuần tiếp theo, thông tin về số ca nhiễm Covid thế giới mỗi ngày lập đỉnh mới, trong nước lại xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng khiến giới đầu tư hoang mang cực độ. Thị trường tiếp tục bị "bán tháo" vào chỉ trong thời gian ngắn đã rơi về dưới 700 điểm.

Chỉ cách đó ít tuần, báo cáo chiến lược của hầu hết các CTCK đều tương đối lạc quan về kịch bản thị trường năm 2020 với những nhận định VN-Index sẽ dao động từ 1.100 – 1.200 điểm. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, mọi dự báo đầu năm đều không còn nhiều giá trị. Nhà đầu tư, cũng như nhiều chuyên gia đã hoảng sợ khi đối mặt với sự kiện chưa từng có trong lịch sử. Các kịch bản VN-Index về 500 điểm, 400 điểm hay thậm chí tệ hơn đều đã được tính đến.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước, dịch bệnh cũng khiến khối ngoại cũng bán ròng ồ ạt trên thị trường. Tính riêng quý 1/2020, khối ngoại bán ròng gần 9.000 tỷ đồng trên HoSE, con số gây bàng hoàng cho nhà đầu tư bởi thị trường Việt Nam luôn được khối ngoại mua ròng mạnh trong những năm gần đây.

Ngày cuối cùng của quý 1 (31/3), chỉ số VN-Index chỉ còn 662,53 điểm, giảm 31% so với đầu năm và là quý giảm điểm lịch sử. Hầu hết nhà đầu tư cá nhân hay các tổ chức đều thua lỗ nặng nề, chuyện "bốc hơi" 50 – 70% danh mục là điều không hiếm gặp.

Trở lại đỉnh cao từ vực sâu

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến giới đầu tư đối mặt với sự kiện chưa từng có, Không ít nhà đầu tư thua lỗ nặng nề nhưng ở chiều ngược lại, mất mát của người này lại mở ra cơ hội với người khác.

Tại mức đóng cửa quý 1, định giá P/E của VN-Index chỉ còn gần 10 lần, con số thấp nhất trong nhiều năm qua và thấp hơn nhiều mức trung bình 10 năm của VN-Index (P/E khoảng 14). Việc định giá thị trường trở nên "rẻ" bất ngờ, trong khi niềm tin về tiến bộ khoa học giúp Vaccine sớm ra đời đã giúp không ít nhà đầu tư "đặt cược" bắt đáy.

leftcenterrightdel
P/E VN-Index cuối quý 1/2020 chỉ còn khoảng 10 (Nguồn: Fiintrade) 

Từ mức đáy 662,53 điểm được thiết lập ngày 31/3/2020, chỉ số VN-Index đã hồi phục ngoạn mục trong sự ngỡ ngàng, hoài nghi của giới đầu tư, dù rằng quá trình hồi phục đã không ít lần bị gián đoạn bởi dịch bệnh.

Những thông tin dịch bệnh, khối ngoại bán ròng đã được "hấp thụ" bởi dòng tiền đỡ giá của các doanh nghiệp khi lượng đăng ký mua cổ phiếu quỹ giai đoạn tháng 2 đến tháng 4 lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới làn sóng nhà đầu tư mới, hay gọi là nhà đầu tư "F0" nhập cuộc. Trong vòng 12 tháng gần nhất (bắt đầu từ tháng 3/2020 – tháng 2/2021), có tới hơn 500 nghìn tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, con số kỷ lục về mở tài khoản trong cùng khoảng thời gian tại Việt Nam. Dòng tiền từ các nhà đầu tư "F0" không những giúp VN-Index hồi phục ngoạn mục mà còn đưa chỉ số kết thúc năm 2020 trên 1.100 điểm, tăng gần 15% so với đầu năm, đây là điều mà có lẽ ngay cả những nhà đầu tư lạc quan nhất cũng không thể hình dung được vào thời điểm cuối quý 1.

leftcenterrightdel
 

Sang đầu năm 2021, dù áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn khá mạnh nhưng dòng tiền "F0" tiếp tục đổ mạnh vào thị trường và đưa VN-Index tiệm cận đỉnh lịch sử. Thanh khoản thị trường cũng liên tiếp xác lập đỉnh cao mới và những phiên thanh khoản 3 sàn 20.000 tỷ đồng là điều thường xuyên diễn ra, thậm chí thanh khoản cao một cách đột ngột còn khiến hệ thống giao dịch sàn HoSE liên tục tắc nghẽn.

Tất nhiên, niềm tin của nhà đầu tư trong thời gian qua về thị trường chứng khoán bên cạnh yếu tố định giá hấp dẫn còn đến từ nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2020, tăng trưởng GDP Việt Nam 2,91%, nằm trong nhóm những quốc gia tăng trưởng tốt nhất Thế giới. Không những vậy, trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây, xuất siêu Việt Nam đạt kỷ lục 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Ngoài ra, Chính phủ cũng nỗ lực giải ngân đầu tư công với con số gần 400.000 tỷ đồng, qua đó góp phần quan trọng vào đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Đến thời điểm này, thị trường chứng khoán, nơi được coi là "hàn thử biểu" của nền kinh tế đang có những bước hồi phục vững chắc và chỉ số VN-Index đang tiệm cận đỉnh lịch sử 1.204 điểm. Mặc dù có những khó khăn nhất định về hạ tầng giao dịch hay xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn khá mạnh, nhưng theo đánh giá của nhiều tổ chức, việc VN-Index vượt đỉnh lịch sử chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn.

leftcenterrightdel
 VN-Index đang tiệm cận đỉnh lịch sử sau 1 năm Covid

Dự báo của hầu hết các tổ chức cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam tiếp tục trở lại mức 6,5 – 7% trong năm 2021, cùng việc Vaccine đang dần đến với người dân sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Nhiều CTCK cho rằng VN-Index có thể lên mốc 1.300 – 1.400 điểm trong năm nay và thậm chí Pyn Elite Fund, quỹ ngoại hàng đầu tại Việt Nam còn đánh giá VN-Index sẽ có cơ hội chinh phục 1.800 điểm trong vài năm tới.

Minh Anh

Nguồn Doanhnghieptiepthi
Link bài gốc

https://doanhnghieptiepthi.vn/chung-khoan-viet-nam-tu-vuc-sau-tro-lai-dinh-cao-sau-1-nam-covid-161210703180753726.htm