Ông lớn cho các chủ BOT vay

Thông tin trên website của mình, Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam - VietinBank cho biết, ngân hàng này đầu tư vốn cho nhiều dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT như Dự án BOT, BT.

Là một ngân hàng lớn, VietinBank là một trong những ngân hàng tài trợ dự án cho BOT. Phía VietinBank chưa tiết lộ con số dư nợ về BOT hiện tại nhưng nhu cầu vốn cho lĩnh vực BOT của nền kinh tế sẽ còn gia tăng trong thời gian sắp tới, không chỉ trong giao thông mà còn các lĩnh vực khác. Chỉ tính riêng tại các dự án BOT của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV), Vietinbank đang dư nợ khoảng 19 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, tại khoản vay ngắn hạn, Vietinbank chi nhánh Đà Nẵng cho Công ty Đèo Cả vay 80 tỷ đồng, theo Hợp đồng số 01/2019, hình thức đảm bảo là: cà vẹt (giấy chứng nhận đăng ký) xe ô tô, sổ đỏ căn hộ; 80 tỷ đồng bằng Hợp đồng tín dụng số 02/2019, hình thức đảm bảo là tín chấp. Tổng 2 khoản vay ngắn hạn (đáo hạn ngày 31/8/2020) là 160 tỷ đồng.

Tại khoản vay dài hạn, Vietinbank chi nhánh Hà Nội cho Công ty Đèo Cả vay tới 18,7 ngàn tỷ đồng.

Cũng theo thông tin từ VietinBank, ngày 31/5/2017, ngân hàng này và Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã ký kết Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng trị giá tài trợ là 10.169 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án BOT rất tai tiếng trong ngành GTVT.

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tài trợ cho rất nhiều dự án BOT khác như Tổng công ty 36, Dự án BOT cầu Văn Lang, Dự án BOT cải tạo Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí,... Đây là những dự án có nguy cơ vỡ kế hoạch tài chính và nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận khoản nợ xấu của ngân hàng này.

Bộ GTVT cho biết, tính đến ngày 22/4/2020, 58/60 dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT có doanh thu thực tế thấp hơn so với mức đưa ra trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án chưa đạt 50% so với doanh thu đề ra.

Hiện các doanh nghiệp đang thiếu nguồn trả nợ, nếu phải bù thêm kinh phí để trả nợ đúng kế hoạch cho các ngân hàng trong khi doanh thu thực tế quá thấp thì doanh nghiệp rất khó khăn, không có nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì công trình dự án, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống ngân hàng...

Việc nhiều dự án BOT “vỡ kế hoạch tài chính” đã khiến VietinBank như ngồi trên đống lửa.

Nói về tình hình kinh doanh, liên tiếp trong 6 quý của năm 2018 - 2019 và 2 quý gần đây, các Báo cáo tài chính mà Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố cho thấy nợ xấu liên tục duy trì mức tăng chóng mặt lên tới hàng nghìn tỉ đồng chỉ sau một quý.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I và quý II/2018 được VietinBank công bố, tổng nợ xấu của Ngân hàng này tăng mạnh từ 9.011 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2017 lên 10.295,5 tỉ đồng vào cuối quý I/2018 và tiếp tục leo thang lên đỉnh mới 11.227,7 tỉ đồng vào thời điểm ngày 30/6/2018.

Nợ xấu của VietinBank ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý III và quý IV/2018 tiếp tục tăng lên 12.127,1 tỉ đồng và chạm mốc 13.517,5 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2018. Như vậy, chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm, tổng số nợ xấu của Vietinbank tăng thêm tới hơn 4.506,5 tỉ đồng và tương đương mức tăng tới trên 50% so với thời điểm đầu năm.

leftcenterrightdel
 


Bước sang năm 2019, tổng số dư nợ xấu của VietinBank thực sự phồng to và tăng lên mức kỷ lục 15.962,2 tỉ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 mà Ngân hàng này công bố. Dù có mức giảm nhẹ trong các tháng sau, con số nợ xấu mà VietinBank công bố tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 lại tiếp tục tăng thêm hơn 1.056,3 tỉ đồng so với thời điểm giữa năm 2019.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 mà VietinBank công bố ghi nhận dư nợ có khả năng mất vốn tại Ngân hàng này cũng tiếp tục tăng thêm 1.483,3 tỉ đồng so với con số được cập nhật trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, lên mức 8.831 tỉ đồng. Theo đó, so với con số tổng nợ xấu tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 là 14.065,7 tỉ đồng, dư nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm đến 62,7%.

Tại báo cáo tài chính quý I/2020, tuy số nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh từ hơn 7 ngàn tỷ đồng về mức 4,6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên “nợ dưới tiêu chuẩn” (nằm trong nhóm “nợ xấu”) lại tăng lên khủng khiếp, từ 2 ngàn tỷ đồng (cuối năm 2019) lên mức 9,7 ngàn tỷ đồng (ngày 31/3/2020). Kết thúc báo cáo tài chính quý 1/2020, tổng “nợ xấu” nội bảng của Vietinbank là 16,9 nghìn tỷ đồng.

Chưa kể khoản nợ xấu ngoại bảng tại VAMC của Vietinbank được cho là lên tới hơn 40 ngàn tỉ đồng.

Đứng trước nguy cơ phát sinh nợ xấu từ các dự án BOT, các nhà đầu tư, cổ đông tại VietinBank đang rất mong mỏi phương án mang tính chiến lược đối mặt với nguy cơ và định hướng xử lý nếu phát sinh nợ xấu đến từ lãnh đạo nhà băng này.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ tín dụng cho vay BOT, BT giao thông của 24 TCTD lên tới 103.573 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3/2019), giảm 3,43% so với cuối năm 2018, song chiếm 1,39% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế. Hầu hết các khoản tín dụng đều thuộc nhóm 1; nợ xấu được báo cáo chỉ ở mức 1.496 tỷ đồng, chiếm 1,44% tổng số dư.
Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, đã có 17 dự án bị chậm tiến độ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 18.260 tỷ đồng, dư nợ đến cuối tháng 12/2016 hơn 8.600 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong 3 năm qua, các ngân hàng đã “bơm” thêm gần 20.000 tỷ đồng vào các dự án BOT, BT giao thông. Đây được đánh giá là lĩnh vực rủi ro nhưng nhiều “ông lớn” ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank... đã rất tích cực cho vay với tổng dư nợ chiếm tới 89,8% so với toàn ngành. Trong đó, dư nợ cho vay của BIDV và VietinBank chiếm tới 77,8%.

Hơn nữa, việc trả nợ vay của các chủ đầu tư BOT, BT giao thông lại rất bi đát do có tới 30 trong 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng không đạt doanh thu như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 53.290 tỷ đồng.

Cụ thể, VietinBank có 16 dự án không đạt dự kiến doanh thu với dư nợ 34.782 tỷ đồng (trong đó 1 dự án hợp vốn với Vietcombank và LienVietPostBank, 1 dự án hợp vốn với OceanBank), chiếm 4% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Sai phạm cả loạt dự án BOT, ngân hàng có 'ngồi trên đống lửa'?

Kết quả kiểm toán 9 dự án BOT trong năm 2019 cho thấy, Bộ GTVT cho phép lập dự án trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục, phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điển hình là dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT. Cũng theo cơ quan kiểm toán, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn theo hình thức BOT đã không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công.

Đã vậy, nhiều dự án còn xác định sai khi tăng tổng mức đầu tư, điển hình như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư 45,4 tỷ đồng; dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT (kiểm toán đợt 2) 61,9 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT 7,7 tỷ đồng…

Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1) còn xảy ra tình trạng thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu. Việc thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư tại dự án này cùng một số dự án khác, như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Km 45+100 Km108+500), chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng chưa cập nhật chi phí sử dụng trạm thu phí không dừng theo hướng dẫn của Bộ GTVT và Chính phủ.

Kiểm toán cũng chỉ rõ, dự án BOT An Sương - An Lạc sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục cầu Tân Kỳ Tân Quý không thuộc trên tuyến đường dự án với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng (đến 31/12/2018, chi phí đầu tư đã thanh toán cho hạng mục này 91 tỷ đồng, tổng vốn thanh toán 103 tỷ đồng). Cùng với đó, nhiều dự án còn lập thiết kế - dự toán sai sót, điển hình như dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn theo hình thức BOT 22,186 tỷ đồng; dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1 sai dự toán 36,7 tỷ đồng, kiểm toán đợt 2 sai dự toán 21,3 tỷ đồng).

Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý 925 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn, như dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (thành phố Hà Nội)…

Đặc biệt, kiểm toán cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án với 56,4 năm so với phương án ban đầu.

Không chỉ dừng lại ở các dự án BOT đang chìm trong nợ nần, VietinBank cũng đang đối mặt với hàng loạt các dự án cho vay không có khả năng thu hồi nợ, thậm chí vướng vào những đại án tai tiếng với những bê bối và trách nhiệm của ban lãnh đạo. Mời bạn đọc theo dõi ở các bài viết kỳ sau.

 

Theo Doanhnhanvn

 

Nguồn Doanhnhanvn

Link bài gốc

https://doanhnhanvn.vn/canh-bac-bot-am-anh-vietinbank--21298.html?fbclid=IwAR0ZiId6sdaJHfXliuSdaDIdlpu-NrADTxAeecmH_NXmk1YXcB_sQbRQBaU