Câu hỏi: “Tiền nhiều để làm gì?” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng là chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhưng thực tế, không chỉ “vua cà phê” mà còn rất nhiều doanh nhân thành đạt khác từng nhiều lần phát ngôn liên quan đến vấn đề nhạy cảm này.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Từng trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ, khi được hỏi quan điểm về tiền bạc, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng chia sẻ: "Tiền là công cụ, phương tiện của mình làm việc. Trong người tôi không bao giờ có đồng nào, khi đi ra ngoài cần tiêu gì đấy lại phải mượn lái xe".

Đây là lần đầu tiên vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam chia sẻ về tiền bạc. Với vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông cũng chưa bao giờ xem tiền là mục tiêu bởi "không có nhu cầu gì nhiều. Cơm ăn áo mặc, nhà cửa, xe cộ... có rồi".

Theo lời ông Vượng, trước đây gia đình khó khăn, cơm áo gạo tiền bủa vây khiến ông luôn nghĩ trong đầu cần phải kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ, đưa gia đình thoát khổ. Tuy nhiên, sau này khi đã có một chút tiền thì cuộc sống bắt đầu thoải mái hơn. Đến hiện tại, công việc là đam mê, mục tiêu là làm gì đó cho đời.

Đến cuối đời mình làm được cái gì? Mình có cầm được một đống tiền đi sang thế giới bên kia không? Tôi vẫn hay nói đùa với anh em là tôi mà sang bên kia chỉ cần hai tay hai vali vàng mã là đủ rồi, hơn cũng không cầm theo được”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng

“Vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ

Tháng 2/2019, TAND TP.HCM xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Khi chủ tọa hỏi nguyên đơn về việc đề nghị chu cấp cho con, bà Thảo đề nghị cấp dưỡng mỗi người con 5% cổ phần của ông Vũ.

Khi ấy, “vua cà phê” cười khẩy và nhẹ nhàng nói: "Tuổi của tôi cũng đâu còn nhiều. Bản thân cô cũng biết tôi không bao giờ quan tâm gì về tiền".

“Ở đây không có ai vì tiền. Không ai đụng đến tiền. 20 năm nay, số tiền nó lớn lắm. Các ngân hàng chỉ ra trong đây chỉ là bề nổi mà thôi, không phải là bề chìm. Cô phải hiểu điều đó. Không có ai giành tiền. Mẹ, bà nội cũng không còn sống bao nhiêu. Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”,
ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.

leftcenterrightdel
 Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long

Năm 2018 chủ tịch Trần Đình Long của tập đoàn Hòa Phát lần đầu tiên được tạp chí Forbes vinh danh là tỷ phú USD. Cũng nhân dịp này, ông Long lần đầu tiên đồng ý trả lời phỏng vấn với giới báo chí về bản thân, quan điểm sống và kinh doanh.

Khi được hỏi về giá trị tài sản 1,3 tỷ USD mà Forbes ghi nhận ông trả lời:

"Thực ra thì hằng ngày tôi làm chẳng nghĩ gì đến tiền đâu, và cũng chẳng biết bản thân có bao nhiêu tiền nữa.

Không phải riêng tôi như vậy. Tôi đoán chắc rất nhiều người cũng như mình. Chúng tôi làm không phải là để cuối ngày nhìn lại những con số trên bảng chứng khoán hay trong két sắt, đúng không? Nói như vậy không phải vì khiêm tốn gì đâu, mà đó là sự thật. Cứ đến lúc giống như chúng tôi, các bạn sẽ hiểu."


leftcenterrightdel
 Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long

Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet - Nguyễn Thị Phương Thảo

Nắm giữ nhiều chức vụ tại các doanh nghiệp lớn như công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, CTCP Sovico, ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) nhưng hình ảnh của bà Thảo gắn bó nhất với hãng hàng không giá rẻ VietJet Air.

Là CEO nữ hiếm hoi của ngành hàng không khu vực, bà Thảo được nhìn nhận là người đang “làm thay đổi thị trường hàng không Việt Nam”.

Khởi nghiệp từ năm 21 tuổi và hiện là tỷ phú giàu thứ 2 Việt Nam (theo BXH của Forbes), bà Thảo từng chia sẻ về nguyên tắc kinh doanh như thế này: “Tôi luôn nhắm tới những thương vụ làm ăn lớn. Tôi không bao giờ muốn làm những việc cò con".

Giàu có là vậy nhưng bà Thảo cũng không biết mình có bao nhiêu tiền: "Tôi chưa bao giờ ngồi và tính toán tài sản của bản thân”.

leftcenterrightdel
 Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet - Nguyễn Thị Phương Thảo

Bầu Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai

Là Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhưng bầu Đức lại chưa có 1 ngày nào ngồi trên ghế nhà trường dù nỗ lực thi đại học tới 3 lần.

Chỉ tốt nghiệp phổ thông và không học đại học, nhưng với ý tưởng kinh doanh độc đáo táo bạo và ý chí hơn người, ông Đoàn Nguyên Đức đã trở thành Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với khối tài sản đáng ngưỡng mộ.

Bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh với một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh, về sau, ông Đức một mình dựng xây cơ nghiệp với các sản phẩm đa dạng từ cao su, thủy điện, khoáng sản đến địa ốc và bóng đá.

leftcenterrightdel
 Ông Đoàn Nguyên Đức

Từng trả lời báo Tiền Phong, ông Đoàn Nguyên Đức nói: “Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết. Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ”.

Nói về tiền, ông “bầu” Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ phân biệt ai giàu ai nghèo, người nhiều tiền hay ít tiền. Người nhiều tiền chưa chắc đã phải là giàu, ngược lại ít tiền chưa hẳn đã phải nghèo. Hôm nay anh có thể giàu, ngày mai có thể nghèo đi, cuộc sống luôn luôn có sự vận động và thay đổi. Mỗi người nên tìm cho mình cách sống phù hợp với cá tính riêng của mình…".

 

Hà Linh TH/Sohuutritue
Nguồn
Link bài gốc

https://dautuvietnam.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-doanh-nhan/cac-ty-phu-viet-nghi-gi-ve-tien-a10978.html?fbclid=IwAR3fBsPp_GqWlE6SySGTLL88AHPK9pGtKjRzUAXvh_0HT9Ia1bvZPy56Oy8