Tính đến phiên cuối tuần trước 7/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) có vốn hóa 163.500 tỷ đồng, nhỉnh hơn khoảng 400 tỷ đồng so với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG).

Hai nhà băng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối này lần lượt chia nhau vị trí thứ 7 và thứ 8 trong danh sách vốn hóa lớn nhất Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Sang phiên đầu tuần 10/5, CTG bật tăng 2,3% trong khi BID tỏ ra yếu thế hơn và chỉ tăng 1,8%. Kết quả là vốn hóa cuối phiên của VietinBank đã vượt lên trên BIDV khoảng 300 tỷ đồng, giá trị lần lượt là hơn 166.800 tỷ và 166.500 tỷ.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 7/5, BIDV đã tụt lại phía sau một nhà băng khác là Techcombank (Mã: TCB) về vốn hóa.

Cụ thể, trong khi vốn hóa Techcombank giảm 180 tỷ đồng còn khoảng 164.900 tỷ, thì vốn hóa BIDV mất hơn 2.400 tỷ còn 163.500 tỷ. Sau biến động này, Techcombank đã thế chân BIDV vào vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.

Như vậy, trong top 10 vốn hóa HOSE, BIDV chỉ còn đứng trên một ngân hàng khác là VPBank (Mã: VPB).

Thực tế, ngoài vốn hóa giảm và bị tụt hạng, BIDV còn đang đứng sau loạt ngân hàng có cùng quy mô như Vietcombank (VCB); Ngân hàng Vietinbank (CTG); thậm chí là ngân hàng Techcombank (TCB) hay ngân hàng MBBank (MBB).

Cụ thể, quý 1/2021 lợi nhuận trước thuế tại ‘ông lớn’ BIDV tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3.396 tỷ đồng. Mức lợi nhuận của BIDV quý đầu năm nay thua Vietcombank (đạt 8.631 tỷ đồng), Vietinbank (8.060 tỷ đồng). Thậm chí, lợi nhuận tại BIDV còn thua cả ngân hàng tư nhân Techcombank (đạt 5.518 tỷ đồng),VPBank (4.006 tỷ đồng) và MBBank (4.580 tỷ đồng)

Tính đến 31/3/2021, BIDV tiếp tục giữ vị trí quán quân nợ xấu với 21.765 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm trước.

Nợ xấu tại Vietinbank giảm nhẹ 6% xuống còn 8.954 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu tại Vietcombank lại tăng 47% lên 7.697 tỷ đồng. Tại Techcombank, nợ xấu cũng giảm 12% so với đầu năm, xuống còn 1.135 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu tại ba nhà băng này cộng lại vẫn chưa bằng con số 21.765 tỷ đồng tại BIDV.

leftcenterrightdel
 

Quý 1/2021, hiệu quả kinh doanh với tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn sở hữu bình quân (ROE) tại BIDV đạt 3,31% trong khi quý 1/2020 chỉ đạt 1,81%. Tuy nhiên, ROE tại Vietinbank đạt 7,05%; Vietcombank đạt 6,84%; Techcombank đạt 5,66%.

leftcenterrightdel
 

Tương tự, quý 1/2021 tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) tại BIDV đạt 0,17% trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 0,10%. Thế nhưng, ROA tại ngân hàng tư nhân Techcombank đã ở mức 0,97%. Chỉ số ROA tại Techcombank còn cao hơn cả Vietcombank đạt 0,54% và Vietinbank đạt 0,48%.

leftcenterrightdel
 

ROE phản ánh mỗi đồng vốn chủ sở hữu bình quân tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó, ROA phản ánh mỗi đồng tổng tài sản bình quân tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

Một mức ROA thấp là kết quả của một chính sách đầu tư hay cho vay không hiệu quả hoặc chi phí hoạt động của ngân hàng quá mức. Ngược lại, mức ROA cao phản ánh ngân hàng sử dụng một cơ cấu tài sản hợp lý, chính sách kinh doanh và đầu tư tài sản hiệu quả.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 3/2021, nợ phải trả tại BIDV lên mức hơn 1,4 triệu tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 82.263 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả tại BIDV gấp 18 lần vốn chủ sở hữu.

Hà Phương/SHTT

 


Nguồn
Link bài gốc

https://vnfinance.vn/bidv-dang-lam-an-ra-sao-trong-3-thang-dau-nam-2021-26426.html