Hàng loạt tranh chấp liên quan “chiếm đoạt tài sản”
Ngày 5-12-2020, đại diện gia đình ông Nguyễn Chấn (Ngụ Quận 2, TP.HCM) đã có đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng đề nghị ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của các thành viên HĐQT Nam A Bank.
Theo đó, đề nghị ngăn chặn đại hội Cổ đông của Ngân hàng TMCP Nam Á trong khi cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiến hành điều tra về hành vi phạm tội xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Á và một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu.
Trước đó, tháng 6-2019, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó thủ trường Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-C01-P4 ngày 20/6/2019 để điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Nam A Bank.
Cụ thể, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-C01-P4 ngày 20/6/2019 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Nguyễn Chấn (sinh năm 1923, trú tại quận 3, TPHCM) đã tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Nam Á câu kết với một số các nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Chấn là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Nam A Bank và các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Hoàn Cầu. Cơ quan điều tra cũng đã điều tra thu thâp được nhiều tài liệu xác định được dấu hiệu tội phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Cùng với quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an (C01) đã có văn bản số 2835/CQĐT yêu cầu Nam A Bank và các công ty TNHH Hoàn Cầu, Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang, Công ty TNHH Phương Long Bình cung cấp các tài liệu về chuyển nhượng, góp vốn, tạm dừng giao dịch chuyển nhượng góp vốn, cổ phần của các cổ đông góp vốn.
Cơ quan điều tra cũng có văn bản 2835/CQĐT yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định tạm dừng giao dịch tài sản và bất động sản của một loạt cá nhân liên quan đến vụ án.
Sai phạm dây chuyền?
Với hàng loạt yêu cầu phong tỏa, tạm dừng giao dịch cổ phần, cổ phiếu nêu trên, Cơ quan điều tra hiện nay đang tiến hành làm rõ các hành vi phạm tội và chưa có kết luận cuối cùng.
Ngược lại với các quyết định này, vào 23/3/2019, Nam A Bank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 và đã thông qua việc niêm yết toàn bộ số 389 triệu cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và sau đó thay đổi quyết định niêm yết toàn bộ cổ phiếu lên sàn UPCoM.
Ngày 25/11/2020, HĐQT Nam A Bank còn phát thông báo tổ chức bầu nhân sự vào HĐQT và Ban kiểm soát của Nam A Bank nhiệm kỳ VIII (2021-2025) và theo kế hoạch ngày 14-12-2020 sẽ chốt danh sách đề cử, ứng cử. Theo đơn kêu cứu của gia đình ông Nguyễn Chấn, nếu danh sách này được phê duyệt sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan điều tra và việc lấy lại tài sản bị chiếm đoạt trị giá khoảng 30.000 tỷ đồng.
Hơn nữa, hiện nay các cổ phiếu, cổ phần của Nam A Bank đang bị giao dịch, chuyển nhượng lòng vòng cho các cá nhân khác nhằm xóa dấu vết thông tin chủ sở hữu ban đầu là bất chấp văn bản ngăn chặn của cơ quan cảnh sát điều tra- Bộ Công an.
|
|
Hội sở Nam Á Bank, nơi xảy ra hàng loạt tranh chấp |
Mặt khác, nhằm mục đích hợp pháp hóa việc chiếm đoạt tài sản một số cá nhân đang điều hành Nam A Bank đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm pha loãng tỷ lệ sở hữu, quyền cổ đông, xóa vết sở hữu cổ phần của các thành viên gia đình ông Nguyễn Chấn và người ủy quyền đứng tên.
Đánh giá về các động thái trên của Nam A Bank, Luật sư Quốc Anh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Khi Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có yêu cầu các bên liên quan tạm dừng giao dịch chuyển nhượng vốn góp, cổ phần, bất động sản, yêu cầu này cũng đã được gửi đến các cơ quan về quản lý nhà nước để thực thi thì việc Nam A Bank thực hiện các động thái trên là sai quy định, trái ngược với cơ quan điều tra.
Hơn nữa, khi đang có tranh chấp cổ phần, cổ phiếu, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thẩm định cho phép Nam A Bank niêm yết số cổ phiếu này lên sàn UPCoM là vi phạm quy định pháp luật, làm dịch chuyển số cổ phần, vốn góp, gây khó khăn cho việc xác định tài sản sở hữu của các bên tranh chấp.
Khi Sở GDCK Hà Nội cho phép giao dịch cổ phiếu Nam A Bank lên sàn giao dịch thì gây biến động nên trong trường hợp đã có văn bản của cơ quan điều tra và đơn yêu cầu của các bên tranh chấp thì cơ quan này phải hủy niêm yết cổ phiếu. Mặt khác, trong trường hợp sự việc tranh chấp được giải quyết thì Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên sở hữu số cổ phiếu được pháp luật công nhận".
Tài Chính Doanh Nghiệp tiếp tục thông tin.