Liên tiếp dính đến những vụ án "chấn động", trong đó, việc nhiều cán bộ ngân hàng đã lợi dụng kẽ hở hệ thống để chiếm đoạt tiền gửi, vốn giá trị lớn,... đã khiến TP Bank đang dần làm mất đi niềm tin của khách hàng.

Trụ sở ngân hàng bị người dân quây đỏ băng rôn

Ngày 13/6/2019, hàng loạt cư dân mua nhà tại dự án Eco Green Tower, số 1 Giáp Nhị tụ tập trước trụ sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank), mang theo nhiều băng rôn yêu cầu phía ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình.

Trao đổi với phóng viên, anh H. một người mua nhà tại dự án, cho biết: “Mặc dù đã đóng 70-90% giá trị hợp đồng nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được căn hộ, cùng với đó tiền lãi ngân hàng thì vẫn phải đóng, nhà thì phải đi thuê để ở. Có bao nhiêu tiền dồn hết vào để mua căn nhà, bây giờ chẳng biết tính sao”.

leftcenterrightdel
Khách hàng vây trụ sở TPBank đòi tiền và quyền lợi 

Qua tìm hiểu được biết, nguồn cơn của sự việc trên bắt đầu từ việc nhiều khách hàng đã đóng tiền để mua căn hộ chung cư tại dự án Eco Green Tower, số 1 Giáp Nhị, quận Hoàng Mai (Hà Nội) do Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (Sông Đà 1.01) làm chủ đầu tư. Khi ký kết hợp đồng mua căn hộ, Sông Đà 1.01 có thông tin cho khách hàng về việc TP Bank tài trợ vốn trên cơ sở Hợp đồng cấp tín dụng hạn mức số 75-04.16/HMBL/TBBANK/TTKD.HO ngày 21/11/2016 và thông báo phát hành bảo lãnh cho Sông Đà 1.01 tại Văn bản số 68/2016/CV/TPB-TTKDHO ngày 22/11/2016.

Theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà theo dự kiến là đầu tháng 2/2018 và không chậm quá 90 ngày. Nếu bên bán vi phạm hợp đồng (bàn giao không đúng tiến độ) thì bên bán phải trả cho bên mua lãi suất quá hạn. Sau 180 ngày kể từ thời điểm dự kiến bàn giao mà bên bán không bàn giao được thì bên mua có quyền đề nghị chấm dứt hợp đồng, bên bán phải hoàn tiền mua căn hộ cho bên mua và bị phạt vi phạm 10% giá trị căn hộ.

Không còn sự lựa chọn nào khác, những khách hàng nói trên đã “bủa vây” trụ sở nhà băng này đề nghị TP Bank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, hoàn trả lại số tiền mua nhà đã giao dịch qua ngân hàng.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên cư dân mua nhà tại dự án tụ tập tại trụ sở TP Bank đòi quyền lợi. Trước đó, sáng 28/5, tình trạng tương tự cũng xảy ra, hàng chục khách hàng căng băng rôn tại Hội sở TP Bank (57 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để mong ngân hàng thực hiện quyền lợi của người mua nhà tại dự án Eco Green Tower.

Bê bối pháp luật khiến niềm tin vỡ vụn

Sau đại án siêu lừa Huyền Như (nguyên cán bộ Vietinbank) chiếm đoạt tiền của hàng chục ngân hàng, đại án Phạm Công Danh vi phạm rút ruột tiền của ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB), TP Bank lại "viết tiếp" câu chuyện buồn khi liên tiếp dính tới các vụ án sai phạm nghiêm trọng gây chấn động ngành ngân hàng.

Trong vụ án siêu lừa Huyền Như xảy ra tại Vietinbank, năm 2011, bị can Huỳnh Thị Huyền Như (từng là Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ ngân hàng Vietinbank) đã thoả thuận với bà Lê Thị Thanh Phương (SN 1978) là Giám đốc Khối nguồn vốn của TPBank về việc ngân hàng này gửi tiền vào Vietinbank - CN TP HCM. Cụ thể, tháng 8/2011, TPBank đã ký 11 hợp đồng mua chứng khoán, môi giới chứng khoán hợp đồng quản lý danh mục đầu tư với Công ty CP Chứng khoán Phương Đông và Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc (Công ty An Lộc là công ty con của Công ty Quỹ Lộc Việt), tổng trị giá là 1.860 tỉ đồng. Bản chất của hợp đồng này là căn cứ để TPBank chuyền tiền cho các công ty đứng tên để gửi tiền vào Vietinbank.

Tại toà án, Huyền Như khai đã thỏa thuận với bà Phương trả lãi suất tiền gửi theo hợp đồng là 14%/năm, kèm khoản tiền chênh lệch ngoài hợp đồng từ 5% đến 5,5%/năm. Huyền Như đã chi khoản "tiền hoa hồng môi giới" cho Giám đốc Khối nguồn vốn của TPBank là 2% trong tổng số tiền 1.860 tỉ đồng, tương đương 37,2 tỉ đồng. Ngoài ra, Như đã chuyển khoản cho em trai và chồng của bà Phương số tiền 6,7 tỉ đồng... Hậu quả là, Huyền Như đã tự thao tác trên hệ thống của Vietinbank tự trích chuyển 380 tỉ đồng từ tài khoản thanh toán của công ty Phương Đông sang 3 công ty khác để trả nợ cá nhân, chiếm đoạt hết...

leftcenterrightdel
 Trong vụ án Phạm Công Danh, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú và Tổng giám đốc nhà băng này ông Nguyễn Hưng bị tòa triệu tập song không xuất hiện

Cuối năm ngoái, cơ quan CSĐT, Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, ngụ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 280, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 2015).

Nguyễn Hoài Thương giữ chức vụ Phó Giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng tại chi nhánh Phạm Hùng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú và Tổng giám đốc Nguyễn Hưng bị bêu tên trong đại án

Trong khi đó, những bê bối pháp luật chưa dừng lại ở các chi nhánh, mà ngay cả ban lãnh đạo của nhà băng này cũng từng bị điểm mặt, chỉ tên trong các đại án bị xét xử.

Tại phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 sáng ngày 09/01/2018, theo cáo trạng, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông qua việc vay vốn tại TPBank có tài sản đảm bảo là chính tiền gửi liên ngân hàng của VNCB tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1,700 tỷ đồng.

Cụ thể vào tháng 5/2013, để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) đã chỉ đạo ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về cho ông Danh sử dụng. Ông Mai đề xuất và được ông Danh đồng ý ủy thác qua Quỹ Lộc Việt để dòng tiền quay trở lại.

Sau đó, ông Mai trao đổi với ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt) để ủy thác và nhờ mượn pháp nhân vay tiền TPBank, lấy tiền mua trái phiếu và dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh cùng Công ty Trung Dung. Đồng thời VNCB sẽ bảo lãnh các khoản vay này.

Tại Quỹ Lộc Việt, ông Nguyễn Việt Hà đã gặp gỡ, trao đổi với bà Đặng Thị Bích Thủy (lúc đó là Phó giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp TPBank) và ông Đinh Việt Cường (Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp TPBank) thống nhất đề xuất vay vốn.

Sau đó ông Nguyễn Việt Hà, bà Đặng Thị Bích Thủy, ông Đinh Việt Cường và ông Phạm Công Danh giới thiệu tổng cộng 11 pháp nhân tham gia vay tiền TPBank và được bảo lãnh bởi tiền gửi của VNCB tại TPBank.

Đồng thời, ông Mai Hữu Khương (phụ trách bộ phận Tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh) phối hợp với Quỹ Lộc Việt làm thủ tục phát hành mới 1,200 trái phiếu của Công ty Trung Dung. Trước đó Tập đoàn Thiên Thanh đã lập hồ sơ phát hành 2,500 trái phiếu (mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu).

Ông Phạm Công Danh bán 1,000 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh cho 7 công ty, bán 600 tỷ trái phiếu của Công ty Trung Dung cho 4 công ty (đây là 11 pháp nhân vay vốn TPBank).

Tại TPBank, khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, các chuyên viên khách hàng và lãnh đạo phòng kinh doanh chỉ xem xét hồ sơ vay của 11 công ty, không đánh giá về năng lực tài chính, vẫn đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty để đầu tư mua trái phiếu và dùng trái phiếu đó làm tài sản đảm bảo. Sau đó mặc dù không xem xét tính pháp lý của các trái phiếu mà 11 công ty vay vốn đầu tư, Phòng Tái thẩm định 1 TPBank vẫn đồng ý cho doanh nghiệp vay vốn. Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng đã đồng ý phê duyệt cấp tín dụng cho 11 công ty tổng số tiền 1,667 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

leftcenterrightdel
 Bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, ngụ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) bị khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 2015). Bà Thương trước đó giữ chức vụ Phó Giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng tại chi nhánh TPBank Phạm Hùng.

 

Trong khi đó, tổng số tiền VNCB gửi tại TPBank là 1,706 tỷ đồng được dùng để bảo đảm cho 11 công ty vay tiền của TPBank trong thời hạn 1 năm. Sau khi ký hợp đồng tín dụng, TPBank giải ngân toàn bộ 1,667 tỷ cho 11 công ty. Sau đó 11 công ty này có ủy nhiệm chi chuyển 1,000 tỷ vào tài khoản Tập đoàn Thiên Thanh, 600 tỷ vào Công ty Trung Dung, 67 tỷ vào Công ty Thạch Hà.

Với số tiền vay này, ông Phạm Công Danh dùng trả cho bà Hứa Thị Phấn (Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín), trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh (Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) nhưng ông Thanh không thừa nhận…

Đến tháng 4/2014, do 7 công ty (trong số 11 pháp nhân vay tiền) không xuất trình được những hồ sơ thể hiện triển khai dự án Khu phức hợp dịch vụ Thiên Thanh – Đà Nẵng (mục đích phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh) và Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng – Đà Nẵng (mục đích phát hành trái phiếu của Công ty Trung Dung), ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn và khả năng trả nợ cho TPBank nên TPBank đã yêu cầu 7 công ty trả nợ trước hạn. Đến 11/4/2014 TPBank đã tự trích tiền gửi trên tài khoản của VNCB mới tại TPBank để thu hồi nợ vay của 11 công ty là 1,740 tỷ đồng.

Theo lời khai của ông Nguyễn Việt Hà trong cáo trạng, xuất phát từ thông tin TPBank cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, ông Hà đến TPBank và được ông Đinh Việt Cường cho biết TPBank có chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào trái phiếu của Thiên Thanh và Trung Dung với hình thức bảo lãnh khoản vay là trái phiếu hình thành từ vốn vay. Doanh nghiệp không phải chịu rủi ro vì TPBank cam kết lãi suất cho vay thấp hơn hoặc bằng lãi suất trái phiếu. Do đó ông Hà chỉ đạo 2 pháp nhân tham gia vay TPBank với mục đích đầu tư trái phiếu của Thiên Thanh và Trung Dung. Ông Hà cho rằng chủ trương này là thỏa thuận riêng của VNCB cùng TPBank và không thừa nhận bàn bạc với VNCB, TPBank; cũng không thừa nhận trao đổi với ông Đinh Việt Cường và bà Đặng Thị Bích Thủy về việc VNCB dùng tiền gửi để bảo lãnh.

Bị can Đặng Thị Bích Thủy theo cáo trạng thừa nhận là có liên hệ và thống nhất với ông Nguyễn Việt Hà cho 11 công ty vay vốn tại TPBank để đầu tư trái phiếu Thiên Thanh và Trung Dung, trong đó trực tiếp giới thiệu 4 công ty vay tổng số tiền 675 tỷ. Ngoài ra, bà Thủy còn chỉ đạo nhân viên TPBank phối hợp với Quỹ Lộc Việt cung cấp thông tin về khách hàng để VNCB làm thủ tục dùng tiền gửi tại TPBank để bảo lãnh cho các công ty vay tiền, dự thảo các hợp đồng mua bán trái phiếu…

Bị can Đỗ Việt Bun (Nguyên trưởng nhóm Khách hàng doanh nghiệp Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank, Giám đốc CTCP Thương mại Khôi Nguyên Phát – trong số 11 pháp nhân tham gia vay tiền) khai trong cáo trạng là được giao nhiệm vụ thẩm định, ký đề xuất cấp tín dụng cho 4 pháp nhân vay tiền TPBank.

Tài liệu chứng cứ trong hồ sơ đủ cơ sở xác định ông Phạm Công Danh là chủ mưu và 20 bị can là đồng phạm giúp sức cho ông Danh về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đối với những người liên quan, Cơ quan điều tra đánh giá Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng TPBank gồm ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Nguyễn Hưng (Tổng giám đốc TPBank), các ông Phạm Đông Anh, ông Khúc Văn Họa, ông Lê Hồng Nam, ông Nguyễn Hồng Quân (đều là Phó Tổng giám đốc TPBank) là các thành viên Hội đồng tín dụng, Ủy ban tín dụng khi phê duyệt hồ sơ vay thực hiện chưa đầy đủ quy định.

Trong biên bản ghi lời khai tại cơ quan điều tra vào ngày 13.7.2016, ông Đỗ Minh Phú khai thời điểm cho vay gói tín dụng 1.666,8 tỉ đồng ông là Chủ tịch UBTD TPBank, cấp phê duyệt các khoản vay của 11 công ty vay vốn. Trả lời câu hỏi của cơ quan điều tra về việc 11 công ty vay vốn có đủ điều kiện vay tại TPBank hay không, ông Phú khai: “Tôi thấy hồ sơ cấp dưới trình lên 11 công ty đủ điều kiện vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay cầm cố bằng giấy tờ có giá”.

Ngoài ra, ông Phú còn khai 11 công ty vay vốn có đủ điều kiện theo quy định: có hồ sơ pháp nhân được thành lập đúng quy định; phương án kinh doanh là mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh có lãi suất trái phiếu lớn hơn lãi suất cho vay của TPBank; tài sản đảm bảo là trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh là trái phiếu có giá trị, có tính thanh khoản cao, đồng thời có cả tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại TPBank.

Cũng theo ông Phú, trường hợp không có tiền gửi của VNCB tại TPBank làm tài sản đảm bảo thì TPBank vẫn cho 11 công ty vay mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, vì tin tưởng tập đoàn này có uy tín, trái phiếu của họ có giá trị, nhưng sẽ không phê duyệt cho vay với tỷ lệ 100% mà thấp hơn.

Tương tự, lời khai của ông Hưng được LS công bố tại tòa cũng thể hiện bị cáo Thủy là người báo cáo lên ông Hưng về nội dung có khách hàng cần vay vốn để đầu tư mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung, tài sản đảm bảo là trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, tiền gửi của VNCB tại TPBank. Theo ông Hưng, với những tài sản đảm bảo an toàn như trên, ông yêu cầu Thủy làm đúng quy trình, thủ tục cho vay tại TPBank.

Việc TPBank liên tiếp dính đến những vụ án chấn động, trong đó hệ thống quản trị rủi ro yếu kém, vi phạm cho vay... đã khiến ngân hàng bị thiệt hại mất vốn nghìn tỉ. Đáng nói, nhiều cán bộ ngân hàng đã lợi dụng kẽ hở hệ thống để chiếm đoạt tiền gửi, vốn giá trị lớn.

Kết luận bổ sung của Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của TP.Bank cho hay, TPBank quyết định cho vay hơn 1.700 tỉ đồng nhưng không thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá năng lực tài chính xác định tính khả thi, hiệu quả các phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của 11 công ty.

Tương tự, TPBank nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh và cho vay cũng như bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay.

Chưa hết, TPBank cũng không kiểm tra sau khi cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường... (Còn nữa).

 

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn
Link bài gốc