Theo thông báo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, năm 2021, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam) triển khai bán bảo hiểm thông qua các tổ chức tín dụng (bancass) bao gồm Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB), Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank), Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), Ngân hàng TNHH MTV United Overseas (UOB), Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan).

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 6.184,574 tỷ đồng, tương ứng 21,48% tổng doanh thu phí, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 3.700,258 tỷ đồng, tương ứng 54,89% tổng doanh thu phí khai thác mới.

Năm 2021, Công ty phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) qua kênh bancass, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất đối với các HĐBH khai thác qua kênh bancass (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.

Qua thanh tra chọn mẫu, Bộ Tài chính phát hiện 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm, cụ thể có 4 đại lý bảo hiểm cá nhân, 13 nhân viên ngân hàng chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục, các bước thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm do Công ty quy định.
leftcenterrightdel
 Prudential đã áp dụng các yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác dẫn đến tính toán sai về số tiền phí của 112.209 hợp đồng bảo hiểm. Ảnh: Prudential

Có 3 đại lý bảo hiểm cá nhân, 3 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về quản lý thu phí bảo hiểm của Công ty; 3 đại lý bảo hiểm cá nhân, 3 nhân viên ngân hàng chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng theo quy định của Công ty.

Ngoài ra, có 10 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm của Công ty.

Về việc chấp hành biểu phí sản phẩm bảo hiểm tín dụng, Prudential đã áp dụng các yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn dẫn đến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng bảo hiểm thuộc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ với số tiền giảm dần (Bảo Tín Hưng Gia) khai thác qua Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam trong năm 2021, vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, Prudential đã ban hành Thông báo thực hiện khuyến mại số PD05042021 ngày 29/3/2021 gửi Sở Công Thương Đà Nẵng có nội dung khuyến mại bằng tiền cho khách hàng, chưa đúng quy định tại khoản 6, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ

Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm này đã hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế với tổng số tiền là hơn 740 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, Prudential ghi nhận doanh thu thuần về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 30.557 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính ở mức hơn 4.000 tỷ đồng, giảm hơn 63%.

Theo thuyết minh, mức giảm của doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu đến từ các khoản lỗ bán chứng khoán đầu tư (282 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ lãi hơn 2.469 tỷ đồng. Ngoài ra, Prudential cũng phải chịu khoản lỗ chưa thực hiện do đánh giá lại các khoản đầu tư của quỹ liên kết đơn vị hơn 2.927 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính khác cũng ghi nhận lỗ 1,6 tỷ đồng.
PV
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-hiem-nhan-tho-prudential-viet-nam-tinh-phi-khong-chinh-xac-hon-112-000-hop-dong-a582154.html