Dưới sức càn quét nặng nề của làn sóng thứ 4 Covid-19, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ cấp bách: vừa chống dịch, vừa hỗ trợ người dân, vừa duy trì động lực phát triển kinh tế. Tính đến cuối năm 2021, GDP tăng 2,58%. Đây là mức thấp hơn so với kế hoạch đề ra, song là mức chấp nhận được.
Giữa những khó khăn bộn bề, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu tiêm phủ vaccine. Đây được xem là vũ khí phòng vệ trước đại dịch và trở thành cơ hội để Việt Nam trở lại đấu trường kinh tế thế giới - quốc gia được kỳ vọng trở thành đối trọng kinh tế quan trọng trong khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tín hiệu đáng mừng từ việc tiêm phủ vaccine đến ngay từ quý IV/2021, khi GDP phục hồi, đạt mức tăng trên 5% so với cùng kỳ.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 1,84% - mức thấp nhất trong vòng 6 năm cũng khẳng định kinh tế ổn định trong bối cảnh giá cả hàng hóa và nguyên, nhiên vật liệu toàn cầu tăng mạnh trong năm 2021.
Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,8% so với đầu năm (năm 2020 giảm 1%), thấp nhất trong vòng 20 năm, tín dụng năm 2021 ước tăng khoảng 13,5%, cao hơn so với mức 13% năm trước cho thấy mạch máu quan trọng của nền kinh tế vẫn duy trì được tính ổn định. Thực tế, dù huy động vốn có tốc độ tăng chậm hơn, tăng khoảng 9%, thấp hơn mức tăng 13-14% các năm trước, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo, nhờ các chính sách điều hành linh hoạt từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỷ USD tăng 22,6% đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; nhập khẩu đạt 332,3 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước.
Năm 2021, Việt Nam đã tăng được xuất khẩu sang tất cả các thị trường. Thị trường EU thuận lợi do sự phục hồi trở lại của các nền kinh tế EU và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực nên xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh. Bên cạnh đó, thị trường ASEAN, Đông Bắc Á cũng hồi phục. Xuất siêu cả năm đạt trên 4 tỷ USD.
Tại hội thảo Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng cho 2022, ông Nguyên Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, bình luận rằng dù đối mặt với khó khăn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhưng kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định, chính sách tài khoá được điều hành theo hướng thận trọng khi chính sách tiền tệ là nền tảng hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế.
Nhờ những yếu tố trên, các chuyên gia của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN 3 (AMRO) gồm 10 nước ASEAN và 3 đối tác Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc, dự báo Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất khu vực với mức 7,5% trong năm 2022. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam sẽ vượt qua Malaysia (6,7%) và Campuchia (6,6%) để đứng đầu khu vực.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, cùng có chung dự án về con số tăng trưởng năm 2022 với mức 7,5%, nhưng cho biết sẽ không bất ngờ nếu số liệu thực tế vượt xa mức này.