leftcenterrightdel
Hộp sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum do đại diện công ty We Viet United cung cấp 

Mới đây, Sở Y tế TPHCM có thông tin báo cáo UBND thành phố về việc rà soát tình hình kinh doanh sữa giả tại các cơ sở khám chữa bệnh và buôn bán lẻ thuốc trên địa bàn, sau khi đường dây 573 loại sữa giả của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group bị Bộ Công an phanh phui.

Theo Sở Y tế, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn không kinh doanh và sử dụng sữa giả trong khuôn viên cơ sở. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, khảo sát hơn 4.600 nhà thuốc (chiếm 60% số nhà thuốc) trên toàn thành phố, Phòng Y tế các quận, huyện phát hiện một sản phẩm sữa có thương hiệu Bold Milk cơ xương khớp Colostrum từng được bày bán ở nhà thuốc M. tại Q.Bình Thạnh.

Sản phẩm sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, nhà thuốc mua từ đơn vị phân phối tại TPHCM là Công ty We Viet United. Cơ quan chức năng cho biết nhà thuốc trên chưa bán loại sữa này cho người dân và phía đơn vị phân phối đã thu hồi lại tất cả 6 hộp.

Trao đổi với phóng viên, đại diện pháp luật của Công ty We Viet United cho biết khi có thông tin Công ty Rance Pharma sản xuất sữa giả, đơn vị đã chủ động liên hệ với các nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM để thu hồi các sản phẩm sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum, kể cả vài sản phẩm đã bán ra thị trường và đang được sử dụng cũng thu hồi. “Nếu người dân yêu cầu hoàn tiền, nhà thuốc sẽ trả trước rồi công ty trả lại cho nhà thuốc”, phía doanh nghiệp nói.

leftcenterrightdel

Một số sản phẩm sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum đã được bán và người tiêu dùng đang sử dụng, được Công ty We Viet United thu hồi.


Theo Công ty We Viet United, đơn vị này bắt đầu nhập sản phẩm Bold Milk cơ xương khớp Colostrum từ năm 2023, số lượng tính đến nay khoảng 60 thùng, mỗi thùng 12 lon. “Công ty sản xuất cung cấp đủ giấy tờ công bố đủ điều kiện, có hoá đơn chứng từ nên tôi tin tưởng nhập về và bán lại cho các nhà thuốc chứ không biết đó là sữa giả”, người đại diện pháp luật cho biết thêm:

“Công ty đã phân phối sữa ra khoảng 60 nhà thuốc nhỏ lẻ trên địa bàn TPHCM chứ những chuỗi lớn như Long Châu hay Pharmacity thì không tiếp cận được. Mỗi lon sữa được nhà thuốc bán lẻ với giá khoảng 250.000 đồng, chiết khấu cho nhà thuốc từ 30% - 40%. Sản phẩm sữa khó bán nên chỉ có số ít hộp được bán ra cho người tiêu dùng. Với các sản phẩm người mua đã sử dụng, chúng tôi cũng thu hồi lại”.

Người này cho biết kể từ khi đường dây sữa giả bị phát hiện đã theo dõi sát thông tin trên báo đài và cơ quan chức năng thì thấy sản phẩm Bold Milk cơ xương khớp Colostrum không nằm trong danh sách 72 loại sữa giả đang được điều tra; đồng thời chỉ mới nắm thông tin Bold Milk cơ xương khớp Colostrum bị cho là sữa giả qua báo chí chứ chưa nhận được thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng.

“Tôi có đủ giấy tờ và hoá đơn, nếu cơ quan chức năng yêu cầu thì sẽ cung cấp, nếu có thiếu sót ở khâu phân phối thì sẽ chịu trách nhiệm. Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh để tôi rút kinh nghiệm trong việc phân phối các sản phẩm liên quan đến sức khoẻ sau này”, đại diện We Viet United nói.

leftcenterrightdel

Một số quảng cáo sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum của Công ty Rance Pharma trên nền tảng internet.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, sản phẩm sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum của Công ty Rance Pharma hiện vẫn còn xuất hiện trên trang web của nhà thuốc A.L (Q.Gò Vấp) với thông tin giới thiệu phù hợp cho người cần bổ sung canxi, loãng xương, thoái hóa xương. Trong khi đó, nhà thuốc P.A, K.T và các giỏ hàng trên sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada đã gỡ thông tin.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ Ngày Nay, đại diện Sở Y tế TP.HCM chiều ngày 6/5 cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo và sớm phản hồi thông tin về việc phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện những bước tiếp theo khi đã ghi nhận sản phẩm sữa của Công ty Rance Pharma xuất hiện trên địa bàn thành phố.

Trước đó, Bộ Công an và Công an các địa phương liên tục triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là 573 nhãn hiệu sữa bột giả của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, nhằm vào đối tượng người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.

UBND TPHCM mới đây cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường ngăn chặn và xử lý các hành vi làm giả, buôn bán thuốc chữa bệnh giả…

Ban Chỉ đạo 389 (Sở Công thương TPHCM) phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn việc buôn lậu, bán thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại dược phẩm, dược liệu và thuốc Đông y.

Sở Y tế TPHCM chủ động cùng các đơn vị kiểm tra, xử lý những trường hợp làm giả hoặc bán thuốc giả, thuốc không rõ xuất xứ, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm soát việc mua bán thuốc trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử; phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, thu hồi thuốc giả, bảo vệ sức khỏe người dân.

Công an TPHCM chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc theo đúng quy định pháp luật.

Trần Tây Côn
Nguồn Ngày Nay
Link bài gốc

https://ngaynay.vn/tphcm-san-pham-cua-cong-ty-sua-gia-rance-pharma-tung-len-ke-tai-nhieu-nha-thuoc-post159632.html