Hoạt động "chui", nhiều nguy cơ trẻ bị xâm hại?

Theo ghi nhận của phóng viên (PV), tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B hiện đang hoạt động kinh doanh bể bơi bốn mùa, hoạt động cả ngày, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách. Không chỉ bán vé bơi theo ngày mà tại đây còn bán vé bơi theo tháng. Giá vé đối với trẻ em dưới 1,4m là 50.000đ/lượt, còn đối với người lớn là 80.000đ/lượt. Học sinh của trường có trình thẻ thì được giảm 50%.
leftcenterrightdel
Lối vào bể bơi bốn mùa trong Trường Tiểu học Dịch Vọng B. 

Mặc dù bể bơi tại đây được thiết kế dành cho học sinh tiểu học, mức nước thấp chỉ 1,5m nhưng lại bán vé cho cả người lớn và trẻ em, đủ các thành phần ra vào tự do. Bể bơi không có biển báo các mức nước, không có dây rào ngăn cách phân khu, biển báo phân khu vực người lớn và khu vực trẻ em. Mỗi ngày bể bơi có hàng trăm khách ra vào, có những thời điểm mật độ cao, trẻ nhỏ, người lớn đều bơi chung, không đủ khoảng cách an toàn bơi, dễ xảy ra đuối nước, thậm chí nguy cơ xâm hại trẻ em.

Theo quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL và số 14/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về điều kiện hoạt động bơi lặn thì hoạt động bể bơi phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện gồm: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chuyên môn… Đối với nhân viên chuyên môn huấn luyện luyện tập phải là huấn luyện viên, hướng dẫn viên, vận động viên từ cấp II trở lên; có bằng cấp chuyên ngành về thể dục thể thao phù hợp từ bậc trung cấp trở lên; có giấy chứng nhận chuyên môn do Liên đoàn Thể thao Quốc gia hoặc cấp quốc tế tương ứng cấp; giấy chứng nhận được đào tạo chuyên môn do Sở VHTTDL tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cấp. Đặc biệt, tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL quy định, trong thời gian bể bơi hoạt động, phải có nhân viên y tế thường trực có trình độ từ trung cấp trở lên.

Tuy nhiên, việc cấp phép hoạt động kinh doanh bể bơi trong trường học trên cả nước nói riêng và trên địa bàn Hà Nội nói chung dường như chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn thực hiện.

Theo phản ánh, mặc dù chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt chủ trương, thế nhưng việc Trường Tiểu học Dịch Vọng B cho thuê, kinh doanh bể bơi trong trường diễn ra từ năm 2017 đến nay. Việc kinh doanh này đang được vận hành, quản lý như thế nào vẫn là câu hỏi ngỏ.

Ai đứng sau, để Hiệu trưởng “lộng ngôn”?

Để rộng đường dư luận, PV đã đến liên hệ, đặt lịch làm việc với lãnh đạo Trường Tiểu học Dịch Vọng B. Người tiếp nhận thông tin tự xưng là Hạnh, cán bộ tổ hành chính văn phòng. Đúng hẹn, PV nhiều lần liên lạc qua điện thoại với bà Hạnh đều bất thành. Cực chẳng đã, PV liên hệ trực tiếp với bà Hạnh tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B, bà Hạnh cho biết, hiệu trưởng nhà trường từ chối trả lời báo chí và thông tin thêm: “Hiệu trưởng bảo muốn thông tin mời PV lên gặp chị Hà - Chánh Văn phòng UBND quận Cầu Giấy, chị ấy sẽ giải quyết”. Bà Hạnh cũng thừa nhận đã chặn số điện thoại PV.
leftcenterrightdel
 Trụ sở Trường Tiểu học Dịch Vọng B.

Khi PV yêu cầu có sự xác nhận của hiệu trưởng nhà trường về việc từ chối thông tin, bà Hạnh hẹn PV ngày hôm sau quay lại trường làm việc. Tuy nhiên, theo đúng lịch hẹn, PV đến làm việc thì nhà trường đóng cửa, bảo vệ tại đây cho biết, nhà trường đi du lịch 2 ngày, có một số bộ phận làm việc nhưng không liên quan nên không cho PV vào. PV tiếp tục điện thoại liên hệ với lãnh đạo nhà trường nhưng đều không liên lạc được.

leftcenterrightdel
 Bà Hạnh, cán bộ tổ hành chính văn phòng Trường Tiểu học Dịch Vọng B - người tiếp nhận thông tin của PV.


Tiếp tục làm rõ thông tin với UBND quận Cầu Giấy như lời “nhắn nhủ” của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B, nhiều lần PV liên lạc với bà Phan Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng UBND quận Cầu Giấy để đặt lịch làm việc nhưng vị này không bắt máy.

PV tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hải, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Cầu Giấy thì vị này cho hay, lãnh đạo quận đã “phân công chị Hà, Chánh Văn phòng UBND quận và kế toán của UBND quận giải trình về các khoản thu chi trong kinh doanh bể bơi của Trường Tiểu học Dịch Vọng B”. Ông Hải nhận trách nhiệm sẽ đốc thúc hai vị trên sớm thông tin tới báo chí. Tuy nhiên, cho đến khi bài báo lên khuôn, PV vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ UBND quận Cầu Giấy?

Có lẽ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch vọng B không thể “một mình” kinh doanh bể bơi “chui” trong khoảng thời gian dài như vậy? Và, nếu không có ai đó giúp sức, thì vị Hiệu trưởng này, chắc không “mạnh miệng” từ chối trả lời báo chí cũng như ấn định Chánh văn phòng UBND quận trả lời báo chí cho những dấu hiệu sai phạm tại trường mình?

Vậy, vai trò, trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy ở đâu trong sai phạm tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B. Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục làm rõ thông tin.
Hiện nay, có khá nhiều trường học tiến hành xây dựng bể bơi để phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí và dạy kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, cần có cơ chế quản lý mạnh tay, để những nơi trang bị kỹ năng sống cho trẻ không thành nơi trục lợi cho những kẻ cơ hội?

Nguồn Theo Khoahocdoisong
Link bài gốc

https://khoahocdoisong.vn/sai-pham-kinh-doanh-be-boi-tai-truong-tieu-hoc-dich-vong-b-bi-an-vai-tro-cua-ubnd-quan-cau-giay-147404.html