|
|
Nhà ở, nhà xưởng san sát trên đất nông nghiệpảnh: Võ Hóa |
Trong đơn gửi báo Tiền Phong, các hộ dân tại thôn Đông, xã Việt Hùng phản ánh, trên phần đất thôn Gia Lộc có khu đất sát thành Cổ Loa bị nhiều hộ gia đình lấn chiếm, san lấp xây dựng các ki ốt bán hàng mà không bị xử lý. Khu vực Hồ Ga thôn Đông, khu bãi than, khu 327 có hơn 10 doanh nghiệp thầu đất trồng cây với xã hoặc mua lại của các hộ dân thầu trồng cây khác để xây dựng nhà xưởng sản xuất than, ép gỗ, vật liệu xây dựng.
Tại bãi Miễu thôn Đông có gia đình ông Tuấn (theo phản ánh của người dân là có người nhà đang làm việc tại UBND huyện Đông Anh) nhận thầu đất nông nghiệp. Dù vậy, thay vì trồng cây ăn quả, ông Tuấn lại cho xây dựng các dãy nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông rồi cho người khác thuê lại. Dọc tuyến đường Việt Hùng, nhiều khu đất nông nghiệp bị chiếm dụng để tập kết hàng ngàn m3 gỗ, bán vậy liệu xây dựng. Trong quá trình sản xuất, các xe trọng tải lớn từ các doanh nghiệp hoạt động liên tục, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Hữu T trú trên địa bàn bức xúc, các nhà xưởng xây dựng trên quỹ đất nông nghiệp, hoạt động ngày đêm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của bà con nơi đây. “Các lò đốt nhiên liệu, ép gỗ xả bụi khói ra môi trường, không biết lò họ đốt cái gì nhưng cứ tối đến tôi đi tập thể dục là không thể thở nổi. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri trong thôn người dân nhiều lần kiến nghị nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết”, ông T nói thêm.
Cũng theo người dân địa phương, trước đây chính quyền xã đã nhiều lần xuống chỉ đạo phá dỡ các công trình, nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp. Nhưng cứ hôm nay phá thì mai xưởng lại mọc lên và hoạt động trở lại bình thường.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng thừa nhận những phản ánh của người dân là đúng. Ông Sáng cho biết, đối với hộ gia đình ông Tuấn, do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nên đã xây dựng nhà xưởng cho người khác thuê lại. Toàn bộ phần đất xây dựng nhà xưởng đều là đất nông nghiệp.
“Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế tại khu vực thôn Gia Lộc sát thành Cổ Loa, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại bị các hộ dân lấn chiếm, xây dựng các công trình để ở cũng như bán hàng”, ông Sáng nói.
Khẳng định các nhà xưởng ở Ga Cổ Loa và Bãi Thó đã được cưỡng chế hết (thực tế đang hoạt động sản xuất ép gỗ, tái chế sắt thép - PV). Ông Sáng phân trần sẽ cho cán bộ kiểm tra, hẹn sẽ xử lý các công trình sai phạm, sớm phản hồi thông tin cho người dân cũng như cơ quan báo chí.