Theo thống kê, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, từ nhiều năm trở lại đây, lộ, lọt thông tin cá nhân luôn là vấn đề nan giải khi tình trạng này ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn độ tinh vi. Hiện nay, chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google tìm kiếm các từ khóa như “danh sách chứng minh thư”, “dữ liệu khách hàng”, “danh bạ điện thoại doanh nghiệp” … người dùng có thể nhận về hàng chục nghìn kết quả có kết nối đến những website cung cấp những thông tin trên.
leftcenterrightdel
 

Bộ Công an cho biết, trong 2 năm qua, số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm như thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ của một số đơn vị, ngân hàng; thông tin khách hàng tại các dự án bất động sản trên toàn quốc; thông tin của khách hàng VIP, khách hàng đầu tư tài chính, chứng khoán…

Trong năm 2021, đã có 35 vụ rao bán dữ liệu của các tổ chức tại Việt Nam. Trong số này, có 2 vụ thuộc lĩnh vực công nghệ với 20 dữ liệu, tập tin về dữ liệu khách hàng; 3 vụ thuộc lĩnh vực giáo dục với 300.000 bản ghi về thông tin học sinh, sinh viên; 2 vụ thuộc lĩnh vực tài chính với 50.000 bản ghi dữ liệu khách hàng; 2 vụ thuộc lĩnh vực bán lẻ với 3 triệu bản ghi dữ liệu khách hàng; 25 vụ thuộc các lĩnh vực khác với 100 triệu bản ghi thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an nhìn nhận đây là thực trạng nhức nhối. Bộ Công an kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện đại bảo vệ nền tảng dữ liệu, an ninh thông tin quan trọng, lưu trữ thông tin, dữ liệu cá nhân; xây dựng đảm bảo an ninh mạng. Không riêng Bộ Công an mà các cơ quan liên quan đến bảo vệ dữ liệu cần tích cực phối hợp quốc tế trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn thấp. Trong năm 2022, Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin và tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này. Đồng thời, kiến nghị xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm, thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

Thanh Hằng
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/mua-ban-du-lieu-trai-phep-can-hanh-lang-phap-ly-va-che-tai-du-manh-d151985.html