Từ một đường link lạ...

Mới đây, Người Đưa Tin nhận được phản ánh của chị Hoàng Thị S. (20 tuổi) ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái về việc mình bị một đối tượng có nickname Cherry Hòa hướng dẫn cài đặt và trở thành người “mắc nợ” số tiền 30 triệu đồng qua ứng dụng trên điện thoại.
leftcenterrightdel
 

Chia sẻ về quá trình bị mắc bẫy lừa vào ứng dụng vay tiền online, chị S. nói: "Ngày 27/6, tôi lướt facebook và thấy có một đường link, khi nhấn vào thì hiện ra ứng dụng CITI CREADIT và được yêu cầu tải về máy. Sau đó tôi chỉ nhập thông tin cá nhân, số điện thoại, hình ảnh thẻ CCCD để làm thông tin hồ sơ.
leftcenterrightdel
 

Ứng dụng chị S. tải về điện thoại (NVCC).


Chỉ 15-20 phút sau đã có một số điện thoại lạ nhắn tin cho tôi báo đã giải ngân được và gửi cho tôi một đường link liên kết thông báo trong tài khoản có 30 triệu đồng".

Tuy nhiên quá trình rút tiền từ tài khoản của chị S. gặp trục trặc vì sai lệch khi khai báo căn cước công dân.

Để giải quyết vấn đề trên, số điện thoại liên lạc với chị S. có nickname Zalo là Cherry Hoà yêu cầu chị S. ra trụ sở để xử lý trực tiếp hoặc chuyển 6 triệu đồng để làm "Uỷ quyền online". Trước đó, chị S. đã chuyển cho đối tượng này 2 triệu đồng để làm "chi phí" phê duyệt khoản vay.

Để tăng độ tin tưởng, Cherry Hòa đã gửi cho chị S. hình ảnh chụp ngân hàng Citibank và địa chỉ ở Tòa nhà Horison, số 40 phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội hoặc toà nhà Sunwah Tower, 115 Đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1, Tp.HCM. Đây cũng chính là địa chỉ của ngân hàng Citibank chi nhánh Hà Nội và chi nhánh Tp.HCM.
leftcenterrightdel
 

Tin nhắn trao đổi giữa chị S. và Cherry Hòa về việc yêu cầu xử lý lỗi khi chị S không nhận được tiền.


Tiền mất, nợ mang, không biết kêu ai

Vì nghĩ có thể mình đã bị lừa đảo, chị S. nói rằng sẽ xuống Hà Nội để gặp trực tiếp thay vì uỷ quyền online. Thậm chí, lúc này chị S. muốn huỷ giao dịch vay tiền cũng không được, nếu huỷ sẽ bị phạt.

Chưa hết, theo lời của chị S. để không còn suy nghĩ hủy hợp đồng, Cherry Hòa đã nhắn cho S. "tối hậu thư" phải xử lý xong việc trước 16h chiều cùng ngày, nếu "không đến trụ sở cũng không xử lý online thì ngân hàng sẽ bán hồ sơ của em cho thu hồi nợ đến nhà làm việc”.
leftcenterrightdel
 

Dòng tin nhắn của Cherry Hòa khiến chị S. lo lắng.


Theo đúng hẹn, chiều ngày 29/6, hai vợ chồng chị S. đi xe máy, vượt hơn 300km từ Yên Bái đến trụ sở công ty tại số 40 Cát Linh, Hà Nội với mong muốn giải quyết khoản tiền từ "trên trời rơi xuống".

Thế nhưng, vợ chồng chị S. đành ngậm ngùi đi về vì không gặp được và cũng không hề nhận được bất kỳ giấy tờ xác nhận gì đã vay tiền từ ứng dụng.

“Tôi đã gọi rất nhiều lần nhưng người này tắt máy, hủy kết bạn Zalo. Nhân viên của tòa nhà cũng khẳng định không có ngân hàng/tổ chức nào nào có tên CITI CREDIT tại đây”, chị S. nói.

Trả lời chị S. cùng phóng viên Người Đưa Tin, nhân viên ngân hàng Citibank chi nhánh Hà Nội tại tầng 1, Tòa nhà Horison, số 40 phố Cát Linh cũng khẳng định ứng dụng mà chị S. tải về không phải của Citibank.

“App (ứng dụng-PV) này là sai”, nhân viên ngân hàng Citibank khẳng định.

Điều đáng ngờ là hình ảnh ứng dụng CITI CREDIT mà chị S. tải về để vay tiền gần tương tự như ứng dụng điện tử của ngân hàng Citibank.

“Đến bây giờ tôi vẫn rất lo vì không lấy và cũng không hủy được thẻ, rồi sau này lãi mẹ lại đẻ lãi con thì không biết sẽ xoay sở thế nào”, chị S. bày tỏ nỗi sợ sẽ bị lộ thông tin cá nhân cùng khoản nợ 30 triệu đồng không rút được.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho biết: “Hiện nay, dưới sự phát triển của công nghệ 4.0 nên nở rộ rất nhiều ứng dụng cho vay online, hầu hết cho vay nặng lãi. Tôi được biết đã có rất nhiều người bị rơi vào bẫy lừa, vài năm sau lãi suất lên đến cả tỉ đồng, thậm chí bị đe dọa nhưng không dám tố cáo. Đây là một dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức cho vay.

Hiện, pháp luật mới chỉ có quy định xử lý đối với người cho vay nặng lãi, nên cần có thêm hành lang pháp lý cho hình thức lừa đảo trên không gian mạng này”.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh cũng đưa ra lời khuyên là người dân cần hết sức cảnh giác, không bấm vào link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ có như thế mới bảo vệ được mình khỏi những lời đe dọa, làm phiền.

“Thêm vào đó, khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để có hướng xử lý, bảo vệ mình”, vị luật sư nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho hay những chiêu thức lừa đảo, cho vay tiền online trên mạng xã hội hiện nay rất tinh vi lợi dụng vào tâm lý nhẹ dạ cả tin của những người dùng thiếu hiểu biết.

“Đối với những người bị lừa mất tiền, có thể làm đơn trình báo đến cơ quan công an nơi mình đang cư trú để trình báo sự việc và đề nghị giúp đỡ. Tôi khuyến cáo người dân không nên thực hiện giao dịch tiền bạc qua hình thức online khi chưa biết đối phương là ai”, ông Hiếu khuyến cáo.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin mới đây cho biết, qua theo dõi trên hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (qua đầu số 5656), đơn vị ghi nhận nhiều người dân phản ánh bị lừa đảo khi thực hiện vay tiền qua app hoặc qua thẻ ATM.

Vay tiền qua app là một trong những trào lưu được không ít người dân lựa chọn sử dụng trong thời gian gần đây với thủ tục vay đơn giản. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo, chỉ cần tải app, nhập thông tin cá nhân yêu cầu vay trực tuyến, sau khi khoản vay được phê duyệt, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của cá nhân.

Thực tế, đây là hình thức cho vay đem lại nhiều điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, đã có nhiều đối tượng lợi dụng hình thức cho vay qua ứng dụng để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, đơn cử như: Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ; Yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay; Dụ dỗ vay tiền trên nhiều app.

Để tránh bị “sập bẫy” lừa đảo của các đối tượng xấu, VNCERT/CC khuyến cáo người dân cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín, có đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…

Khi người dân có nhu cầu vay tiền cần đến các ngân hàng, công ty tài chính uy tín để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo. Trường hợp thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để được giải quyết, xử lý kịp thời.

Thanh Lam
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/lua-vay-tien-qua-app-citi-credit-tien-mat-no-mang-khong-biet-keu-ai-a558161.html