Làng startup Việt Nam đón tin mừng đầu tiên của năm 2020 khi CTCP dịch vụ di động trực tuyến (M_Service), sở hữu thương hiệu ví điện tử Momo, thực hiện gọi vốn thành công trong vòng Series D.

leftcenterrightdel
Momo gọi vốn thành công vòng Series D (Ảnh: Lê Quý). 

Không công bố cụ thể các thông tin về tài chính trong thương vụ này, Momo chỉ tiết lộ các nhà đầu tư tham giao bao gồm cả các cổ đông hiện hữu (Warburg Pincus, Affirma Capital, Tybourne Capital Management) và các nhà đầu tư mới (Goodwater Capital, Kora Management, Macquaire Capital).

Goodwater Capital là một quỹ đầu tư có trụ sở ở Silicon Valley. Trong lĩnh vực fintech, Goodwater Capital từng thực hiện đầu tư vào nhiều startup có tiếng như Stash, Monzo, Viva Republica (Toss), Greenlight Financial, Xendit và Kyash. Goodwater Capital có số vốn khoảng 1,1 tỉ USD và đi vào hoạt động từ năm 2014.

Kora Management LP là một công ty chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp internet và dịch vụ tài chính tại các thị trường có mức tăng trưởng cao trên thế giới.

Trong khi đó Macquarie Capital là công ty tư vấn, đầu tư vốn và đầu tư tập trung vào thị trường vốn của Macquarie Group. Macquarie Capital Principal Finance, công ty đầu tư chính, cung cấp các giải pháp tài chính sơ cấp và đầu tư thị trường thứ cấp linh hoạt cho các khách hàng doanh nghiệp và bất động sản thương mại trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc

Momo nói rằng số tiền đầu tư mới sẽ được dùng để xây dựng nền tảng siêu ứng dụng mới, nâng cấp hệ sinh thái đồng thời ra mắt "Quỹ đổi mới sáng tạo Momo".

Theo dữ liệu của TechInAsia, trước vòng Series D, Momo đã thực hiện thành công ba vòng gọi vốn lớn với tổng số vốn gọn thành công lên tới 133,8 triệu USD.

Hồi tháng 1/2013, Momo công bố nhận 5,75 triệu USD đầu tư từ nhà đầu tư Goldman Sachs ở vòng Series A. Đến tháng 3/2016, Momo nhận thêm 28 triệu USD trong vòng Series B. Goldman Sachs tiếp tục tin tưởng rót vốn vào Momo ở vòng này. Nhà đầu tư chính còn lại trong vòng là Standard Chartered Private Equity.

Đến trung tuần tháng 1/2019, Momo tiếp tục vòng gọi vốn Series C với dung lượng 100 triệu USD do Warburg Pincus dẫn dắt. Ở thời điểm đó, Momo nói đang phục vụ gần 10 triệu người dùng ví điện tử đồng thời là ứng dụng ví điện tử được tải về nhiều nhất tại Việt Nam vào năm 2018. Số lượng giao dịch mà Momo xử lý cũng tăng hơn 3 lần so với cùng kì năm trước.

leftcenterrightdel
 Lịch sử gọi vốn của Momo trước thời điểm năm 2021 (Đơn vị: triệu USD). (Đồ hoạ: Thái Sơn, Dữ liệu: TechInAsia).

Như vậy, tới thời điểm hiện tại, Warburg Pincus đang là cổ đông tham gia nhiều vòng đầu tư nhất vào Momo. Đây là một quỹ đầu tư đã được thành lập từ năm 1966, tập trung vào nhóm các doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng. Hiện tại, danh mục đầu tư của Warburg Pincus gồm khoảng 190 công ty cùng với đó là khối tài sản trị giá hơn 56 tỉ USD.

Hiện tại, Momo công bố số lượng người dùng chạm mốc 23 triệu. Tổng giá trị giao dịch mà Momo xử lý trong năm 2020 cũng chạm mốc 14 tỉ USD. Momo kì vọng có 50 triệu khách hàng trong hai năm tới.

Ở vòng Series D, theo thỏa thuận giữa các bên, Momo không công bố số tiền nhận đầu tư. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bloomberg cho biết tổng giá trị nhận đầu tư ở vòng này là hơn 100 triệu USD.

Phát biểu tại buổi lễ công bố vòng đầu tư Series D, ông Trần Duy Đông,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng Momo sẽ trở thành kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) thứ ba tại Việt Nam. Tuy nhiên phía công ty không tiết lộ khi được hỏi liệu khi nào Momo sẽ trở thành kỳ lân.

Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có 2 kỳ lân là VNG và VNLife (công ty sở hữu VNPay).

Theo Kinh tế tiêu dùng
Nguồn
Link bài gốc

https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/diem-lai-nhung-vong-goi-von-cho-momo-toan-bo-la-nha-dau-tu-ngoai-20210113131312534.htm