UBND TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất.
Công văn nêu rõ, ngày 8/6/2020, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Để việc quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất trên địa bàn thành phố của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được UBND thành phố phê duyệt phương án xử lý nhà, đất.
Trường hợp có sai phạm (cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, sử dụng làm nhà ở... không đúng quy định), các sở, ngành và đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND thành phố xem xét, xử lý theo quy định pháp luật và thẩm quyền. Các sở, ban, ngành thuộc thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tích cực phối hợp với các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ trên.
Liên quan đến thông tin trên, thời gian gần đây, dư luận đang thắc mắc vì sao không đấu giá quyền sử dụng đất mà 38.545m2 đất công do Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway quản lý lại “biến thành” dự án Mipec Rupik 360?
Theo tìm hiểu, khu đất số 122-124 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) của Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội - Neway (Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội) vốn là bãi đỗ xe buýt, đồng thời là trung tâm điều hành xe Tân Đạt và Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp thuộc Transerco.
Theo chủ trương của Chính phủ, Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway phải di dời để giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành. Sau sự kiện trên, nhiều người dân sống quanh khu vực mong sau khi xí nghiệp buýt di dời, khu đất trên sẽ được dùng để xây dựng các công trình công cộng trong bối cảnh đô thị thiếu đất làm hồ điều hòa, cây xanh, trường học… để giảm áp lực tăng dân số cho khu vực.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng trên, từ đầu năm tới nay, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi trên khu đất di dời này lại mọc lên một Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán với tên thương mại: Mipec Rubik 360 với 2 tòa tháp cao tới 35 tầng đang được xây dựng.
Theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, sở dĩ khu đất trên bị biến thành dự án nhà ở cao tầng là do năm 2011, UBND TP.Hà Nội chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch tại ô đất 122-124 đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) với diện tích 39.662m2 để nhóm nhà đầu tư bao gồm Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), CTCP Hoá dầu Quân đội (MIPEC) và Công ty TNHH Hoa Cương lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở.
Đến tháng 8/2018, dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại: Mipec Rubik 360) được Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư với kinh phí là 2.466 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, trao đổi với báo chí, một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, theo quy định của pháp luật, đối với đất công là các loại đất do nhà nước quản lý, đất do các cơ quan, tập đoàn, công ty quản lý, đất quốc phòng chuyển sang dân dụng thì không được bán, chỉ được định giá, bán hóa giá – cổ phần hóa. Vì thế, đất này cần phải thu về làm đất công, bán đấu giá theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được duyệt trước. Tuy nhiên, không hiểu vì sao Hà Nội lại cho phép nhóm doanh nghiệp trên chuyển đổi hình thức sử dụng khu đất mà không đấu giá?