Nhằm hoàn thiện các quy định về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư của các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đã có một số kiến nghị đến UBND TP.HCM.
Theo đó, đơn vị này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan sau vụ việc đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
|
|
Doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất không được làm dự án trong 2 năm. Ảnh: Các lô đất Thủ Thiêm được hoàn tất đấu giá cuối năm 2021. Ảnh: VietnamFinance |
Về phương thức đấu giá, ngoài việc tổ chức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại buổi đấu giá, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần xem xét áp dụng các hình thức khác như đấu giá bằng cách bỏ phiếu trực tiếp hoặc bỏ phiếu gián tiếp.
Cần phân biệt 3 loại giá đất trong các quy định pháp luật có liên quan, gồm giá đất theo tham chiếu do Nhà nước quy định, giá đất của thị trường và giá kỳ vọng của nhà đầu tư.
Để hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần có quy định riêng đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển dự án.
Rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh các quy định liên quan đến việc xác định năng lực của nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự.
Cần nghiên cứu bổ sung các quy định về giá khởi điểm và tiền đặt cọc một cách phù hợp, cũng như chế tài đối với nhà đầu tư trúng đấu giá để hạn chế tình trạng “bỏ cọc” như trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua.
Từ các cơ sở trên, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất UBND TPHCM xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM được chủ động xác định giá khởi điểm đấu giá; được ấn định tỷ lệ đặt cọc, ký quỹ cho lô đất cần đấu giá.
Bổ sung các quy định để chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá như phải kê khai các dự án đang triển khai, kinh nghiệm tham gia đấu giá, năng lực điều hành, báo cáo tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá;
Cần điều chỉnh các biện pháp chế tài như thông báo công khai về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp, không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc.
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, việc doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi "bỏ cọc" sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Vì vậy, phía HoREA đề nghị bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc trường hợp người tham gia đấu giá đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc”, có thể mức nộp phạt khoảng 10% giá trúng đấu giá.
Sớm xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất; pháp luật về đấu thầu trong đó có đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, HoREA đề nghị áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp.